Đầu tư
TP.HCM đặt mục tiêu đến 31/10 giải ngân trên 80% vốn đầu tư công
Hồng Sơn - 26/08/2020 23:32
Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân thì đến cuối tháng 8/2020, tỷ lệ giải ngân của TP.HCM đạt hơn 55% kế hoạch vốn đã giao.
TIN LIÊN QUAN

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 23/8 được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là 21.279,948 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (42.139,316 tỷ đồng).

Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố (2.127,347 tỷ đồng), thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,5% kế hoạch vốn đã giao (42.139,316 tỷ đồng).

Trong đó, vốn ngân sách Thành phố đã giải ngân là 17.154,861 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch vốn đã giao (33.940,764 tỷ đồng).

Vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 4.125,087 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch đã giao (8.198,552 tỷ đồng).

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2021. Ảnh: Lê Toàn

Theo bà Mai, kết quả này cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ (tính đến hết tháng 8/2019, thành phố giải ngân là 9.047 tỷ đồng, đạt 26,8% kế hoạch vốn giao là 33.771,490 tỷ đồng).

“Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ, của Lãnh đạo thành phố và bối cảnh hiện nay thì vẫn chưa đạt yêu cầu”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhìn nhận.

Bà Mai cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, như: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn thành phố còn thực hiện chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam và thiết bị, máy móc phục vụ cho dự án chưa thể nhập khẩu vào Việt Nam.

Do tiến độ thực hiện dự án trước đây bị chậm, cần được rà soát chặt chẽ về pháp lý và kỹ thuật để đàm phán ký kết Phụ lục hợp đồng với các Nhà thầu ảnh hưởng đến công tác thi công, nghiệm thu thanh toán và giải ngân. Ngoài ra, việc phê duyệt điều chỉnh dự án kéo dài dẫn đến tổ chức đấu thầu lại các gói thầu của Dự án.

Do một số dự án thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án theo quy định mới (Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về Quản lý và sử dụng vốn ODA được ban hành ngày 25/5/2020); xử lý các tình huống trong đấu thầu do khác biệt quy định của Việt Nam và nhà tài trợ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Do đặc thù trong quy trình thực hiện các dự án đầu tư công, công tác giải ngân thường đạt cao tại thời điểm cuối năm…

Trao đổi tại Hội nghị công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020 được tổ chức chiều 26/8, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang đối phó với dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp thì công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một điểm sáng tích cực.

Cụ thể, số vốn giải ngân lớn hơn gấp 2,35 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân cũng tăng hơn gấp 1,89 lần cùng kỳ. Kết quả này đạt được nhờ sự chủ động và nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp Thành phố trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện kế hoạch đầu tư công.

“Với vai trò là một đô thị lớn, TP.HCM xác định phải nỗ lực nhiều hơn, bởi lẽ nếu Thành phố giải ngân vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Thành phố và cả nước”, ông Phong nói và nhắc lại mục tiêu, Thành phố sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95%.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM không khỏi sốt ruột, quan ngại khi đến thời điểm này của tháng 8 mà tỷ lệ giải ngân mới đạt mức 50,5%.

Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đến thời điểm 31/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố ít nhất phải đạt khoảng 80%...

“Theo báo cáo của Kho bạc, thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần giải ngân được khoảng 500 tỷ đồng, như vậy là không đạt, còn thấp”, ông Phong nói và yêu cầu cần thực hiện ngay các giải pháp quyết liệt để thời gian tới mỗi tuần có thể giải ngân được khoảng 900 tỷ đồng, từ đó, hoàn thành mức giải ngân theo từng mốc thời gian đã đề ra.

Trong đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần. Rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án.

Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân. Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về đầu tư của Thành phố.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.

Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư và công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân…

Tin liên quan
Tin khác