Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào Khu Công nghệ cao vừa được tổ chức vào sáng nay (27/6), đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, hoạt động thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh.
Đồng thời, đảm bảo sự tiếp cận công bằng của các nhà đầu tư nhằm chọn lựa được những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án nhanh và hiệu quả, góp phần vào phát triển nhanh và bền vững Thành phố. Thu hút đầu tư tại chỗ trên cơ sở tập trung chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện hữu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao.
Năng suất lao động tại Khu Công nghệ cao ước đạt 16,6 lần của cả nước. |
Đặc biệt, trong năm 2022 Khu Công nghệ cao sẽ tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư và thu hút thành công dự án trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, với chức năng ga hàng không nối dài nhằm góp phần tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp, qua đó tăng cường lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao nói riêng và Thành phố nói chung trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, có bốn tiêu chí lựa chọn gồm: Năng lực kinh nghiệm; năng lực tài chính; năng lực công nghệ; hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, khi đầu tư vào Khu công nghệ cao, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể, những dự án đầu tư mới vào khu kinh tế, khu công nghệ cao, hoặc dự án đầu tư mới vào lĩnh lực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển trong Khu công nghệ cao… sẽ được miễn, giảm 10% trong 15 năm.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ được miễn, giảm thuế suất 10% (không quá 30 năm) nếu đáp ứng được 1 trong các tiêu chí như: Sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm (chậm nhất sau 5 năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư); Sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động được xác định theo quy định của pháp luật về lao động.
Đối với những dự án đầu tư mới có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải ngân ít nhất 1 nghìn tỷ đồng trong 3 năm, có Trung tâm R&D, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng… sẽ được giảm thuế suất từ 5 - 9% trong thời gian từ 30 - 37 năm.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị |
Liên quan đến chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, bà Loan cho hay, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp đang phản ánh về mức giá thuê đất tại đây là cao. Nhưng trên thực tế, giá thuê đất tại Khu công nghệ cao được tính theo bảng giá đất của Thành phố, Ban quản lý không tự đưa ra mức giá thuê.
Tuy nhiên, khi đầu tư vào Khu công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 35/2017/NĐ-CP. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 03 năm). Sau thời gian xây dựng, sẽ được miễn 15 năm đối với dự án không thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghệ cao.
“Còn đối với những dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư sẽ được miến 19 năm”, bà Loan nói và cho biết thêm, theo chính sách ưu đãi đặc biệt (Điều 7, Quyết định 29/2021/TTg), miễn toàn bộ tiền thuê đất, hoặc miễn từ 18-22 năm, giảm tiền thuê đất từ 55% - 75% tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án.
Ngoài ra, khi tham gia đầu tư vào Khu công nghệ cao, các nhà đầu tư sẽ được giảm 50% mức ký kỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (từ 1%-3% tổng vốn đầu tư).
Được biết, Khu Công nghệ cao TP.HCM được thành lập năm 2002. Đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)…
Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu Công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố.
Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD, và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD (xuất siêu: 6,725 tỷ USD).
Lũy kế tổng thu ngân sách ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng nhanh trong những năm gần đây do một số dự án đầu tư đã hết thời gian được hưởng ưu đãi.
Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao không ngừng được nâng cao, đạt 117,92 triệu USD năm 2021. Bước đầu hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao như Nanogen, USM Healthcare, BSB…
Năng suất lao động tại Khu Công nghệ cao ước đạt 16,6 lần của cả nước.
Bước đầu tại Khu Công nghệ cao Thành phố hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực Điện tử - CNTT, Công nghệ sinh học - dược phẩm, Cơ khí chính xác và tự động hóa và Công nghệ vật liệu mới.