Quan điểm này được ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công” do Bộ Khoa học và Công nghê (KH&CN), UBND TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 27/12.
Theo ông Đức, thành phố chọn chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Để thực hiện, thành phố cần triển khai nhanh chương trình chuyển đổi số, trọng tâm xây dựng chính quyền số.
"Việc hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố, hoàn thiện, kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội bộ, mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng điện thoại thông minh; ứng dụng AI trong quản lý hành chính công phải được đưa vào ứng dụng thực tế, rút ngắn thời gian trong quá trình xử lý công việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, mang lại những tác động tích cực trong phát triển kinh tế xã hội", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết ba vấn đề chính, gồm tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực này, sẵn sàng khi triển khai áp dụng vào thực tế; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm dữ liệu và tiếp tục nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tiễn vận hành nhằm nêu các bài toán, mời gọi các tổ chức tham gia giải quyết.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công". |
Tại hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, năm 2022, chuyển đổi số của Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, hình thành một số sản phẩm như khai thác ứng dụng từ dữ liệu chuyên ngành của ngành tư pháp, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường. Thành phố đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng như hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị người dân theo thời gian thực; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; Dashboard tổng hợp thông tin kinh tế -xã hội.
Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của thành phố ước đạt 15,38% (so với chỉ tiêu của năm 2022 là 15%) và thành phố xếp hạng 3/63 tỉnh thành về chuyển đổi số.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, TP.HCM là địa phương có đầy đủ điều kiện để thực hiện hầu hết các chiến lược chuyển đổi số của quốc gia. Thành phố nên đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy hành lang pháp lý nhằm ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Ông Duy cho rằng, Thành phố không cần AI cao siêu như thay thế được nhân công lao động, thay thế con người… mà cần để giải quyết những công việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, nhiều và làm thường xuyên, hỗ trợ thêm cho con người. TP.HCM nên tập trung vào những vấn đề cụ thể nhất để có được hiệu quả tốt nhất trong chuyển đổi số.