Đề xuất mà Sở Giao thông vận tải đưa ra dự trên nhu cầu cần bãi đậu xe của người dân tại tại khu vực trung tâm thành phố là rất lớn nên cần nguồn vốn đầu tư xây dựng bãi đậu xe tự động thông minh nhằm giải quyết nhu cầu đậu đỗ xe khu vực trung tâm thành phố, góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời khai thác sử dụng hiệu quả các khu đất đã được quy hoạch.
Trong khi đó, hiện quỹ đất dành cho giao thông thành phố rất thấp, đến hết năm 2016 thành phố có hơn 4.000 km đường giao thông, mật độ đạt 1,98km/km2. Tính đến ngày 15/11/2016, thành phố đang quản lý hơn 7,8 triệu phương tiện, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện biển số các tỉnh hàng ngày lưu thông trên địa bàn. Đến nay thành phố chỉ mới có gần 30ha dành bến bãi xe buýt, không có bến cho xe taxi. Tính từ trụ sở UBND thành phố đến ngoại vi 500m cũng chỉ có 59 công trình cao tầng có tầng hầm để xe. Bãi đậu xe ngầm đang triển khai 4 dự án nhưng nhanh nhất cũng phải đến năm 2019 mới đưa vào sử dụng.
Công trường Lam Sơn với diện tíc đất khá rộng vây quanh nhà hát TP.HCM. |
Chính vì vậy việc xây dựng bãi đậu xe thông minh tại Công trường Lam Sơn quận 1 là cần thiết, để thực hiện dự án này, Sở Giao thông vận tải cũng đưa ra phương án thực hiện đó là xây dựng trên diện tích đất khoảng 1.410m2, tổng số tầng đậu xe là 9 tầng (không bao gồm tầng mái) với chiều cao 21,8 m, trong đó, tầng 1 làm sảnh tiếp đón và lối nhận/trả xe, tầng 2 – 9 dành để đậu xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ. Tổng số chỗ đậu xe ôtô của dự án là 168 (ôtô). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 161 tỷ đồng.
Phương thức vận hành cũng được Sở Giao Thông vận tải đưa ra đó là sử dụng hệ thống đậu xe thông minh bằng công nghệ robot tự động xếp xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ. Dự kiến tiến độ thi công xây dựng tối đa 14 tháng, thời gian khai thác công trình trong 30 năm. Về đơn giá giữ xe, dự kiến đối với xe ô tô theo giờ là 27.000 đồng/xe/giờ, xe ô tô theo ngày là 468.000 đồng/xe/ngày, xe ô tô theo tháng là 11,928 triệu đồng/chỗ/tháng và giá xe ô tô theo năm là 121,666 triệu đồng/chỗ/năm.