Cần áp dụng mô hình TOD
Theo UBND TP.HCM, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư sơ bộ rất lớn, trên 200.000 tỷ đồng (tương đương trên 9 tỷ USD), nên việc xây dựng phương án tài chính huy động vốn sẽ phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả tài chính.
Việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho dự án cũng khó khả thi nếu chỉ khai thác doanh thu từ vé, mà không có các giải pháp phát triển đô thị xung quanh các đầu mối giao thông dọc tuyến (mô hình TOD).
Do đó, trước mắt, vẫn rất cần đến vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đây vẫn là hình thức đầu tư phổ biến nhất cho dự án này, cần tiếp tục được phát huy trên cơ sở cân đối từ ngân sách nhà nước.
UBND TP.HCM cho biết, chủ trương luôn được các cấp thẩm quyền đề cập nhiều trong thời gian gần đây là việc cần kết hợp đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt với đầu tư phát triển các trung tâm đô thị - nhà ga của dự án theo mô hình TOD.
Khoản vốn huy động từ đấu giá đất tại các khu vực được dự kiến phát triển TOD sẽ có thể góp phần giải quyết một phần không nhỏ bài toán về vốn cho dự án.
Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi tiếp theo, UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt tiếp tục tổ chức cho nghiên cứu làm rõ những cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể cần thiết phải được ban hành để có thể triển khai và phát huy được mô hình TOD; các vấn đề cụ thể về thiết kế đô thị cho khu vực xung quanh nhà ga dường sắt để xác định quỹ đất cần thiết phải được thu hồi cho phát triển TOD hiệu quả; cho thu hồi phần đất công trình chính, phần đất phát triển TOD tại từng nhà ga trên địa bàn từng địa phương mà tuyến đi qua.
Hướng tuyến dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. |
Đoạn qua TP.HCM chủ yếu trên cao
Theo phương án đề xuất, tuyến trên địa bàn TP.HCM gồm các đoạn đi trên cao khoảng 11,94 m, kết hợp các đoạn đi trên mặt đất khoảng 23,34 km. Tuyến đi qua các khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc các khu vực đang tiếp tục trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, bố trí đoạn tuyến đường sắt trên địa bàn TP đi trên cao, trừ một số đoạn tuyến về các ga hàng hóa, ga lập tàu, trạm đầu mối kỹ thuật… để hạn chế tối đa những ảnh hưởng “chia cắt” các khu vực đô thị hóa hai bên, đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tăng tính kết nối giữ các đầu mối giao thông đường sắt với khu vực xung quanh.
Ngoài ra, đối với một số đoạn tuyến buộc phải đi trên mặt đất, cần tính toán, dự trù đủ chi phí xây dựng các cầu vượt/nút giao khác mức cho đường bộ (vượt qua đường sắt, đối với các đoạn tuyến đường sắt đi trên mặt đất) trong tổng ức đầu tư của dự án.
Tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42 km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1.435 mm - điện khí hóa. Tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h, tàu khách khai thác tốc độ <190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ <120 km/h.