Bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, hội nghị nhằm mục đích cung cấp những thành tựu mới nhất về nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain trên thế giới cũng như các ứng dụng tiềm năng tại Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ Blockchain. Đồng thời là dịp tăng cường sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các viện, trường trong lĩnh vực này.
Theo bà Loan, đây cũng là cơ hội kết nối những chuyên gia hàng đầu với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động đầu tư, sản xuất tại SHTP, giúp họ có thể tiếp cận và triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động điều hành, tổ chức và kinh doanh một cách hiệu quả; đề xuất các mô hình mới ứng dụng công nghệ Blockchain...
Nhiều sản phẩm, thiết bị mới ứng dụng công nghệ Blockchain được giới thiệu tại Hội nghị. |
Trao đổi về những ứng dụng của công nghệ Blockchain đối với xây dựng đô thị thông minh, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã có sự đồng thuận cao khi cho rằng, công nghệ này có phạm vi ứng dụng rất rộng. Đối với xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM có thể kể đến 4 ứng dụng quan trọng.
Ứng dụng Blockchain trong cung cấp các dịch vụ công. Blockchain là công cụ đặc biệt hữu hiệu trong triển khai các dịch vụ công mang tính liên thông giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc ứng dụng Blockchain giúp tránh được sự nhầm lẫn hay bỏ sót hồ sơ, tài liệu và đảm bảo tính minh bạch trong toàn chuỗi liên thông xử lý hồ sơ. Bên cạnh đó, ứng dụng Blockchain còn mang lại khả năng có thể tự động hóa một số dịch vụ công. Ví dụ, trích lục hồ sơ, công chứng điện tử, cấp lại giấy tờ (kết hôn, đăng ký,...) cho người dân và doanh nghiệp (dịch vụ công cấp độ 4).
Tiếp theo là ứng dụng Blockchain trong quản lý và điều hành đô thị. Ví dụ, các cảm biến cung cấp thông tin trạng thái về mực nước dâng ngày triều cường làm căn cứ cho hệ thống điều khiển giao thông tự động điều chỉnh luồng giao thông tránh bị ùn tắc cục bộ.
Trong phát triển kinh tế cũng có nhiều ứng dụng. Chẳng hạn, một câu chuyện đơn giản nhưng mang tính cấp bách là thành phố sẽ sớm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ Blockchain theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ mang lại uy tín cho những sản phẩm của thành phố cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế, mà quan trọng hơn, còn là thước đo về trạng thái thực của các quy trình sản xuất tại từng đơn vị sản xuất cụ thể (ví dụ có đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hay không, có hiệu quả không, trình độ công nghệ,...). Như thế, Blockchain không chỉ là phương tiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh mà cao hơn thế, còn là công cụ giúp làm thay đổi tập quán canh tác, hướng tới các chuẩn mực quốc tế khi nước ta hội nhập ngày càng sâu với quốc tế.
Một ứng dụng quan trọng khác trong phát triển xã hội. Đó là người dân chỉ cần một mã định danh là có thể tham gia bất cứ một loại hình dịch vụ xã hội nào mà không cần làm tờ khai như trước đây. Nhờ khả năng “xâu chuỗi” những tác vụ rời rạc liên quan đến hàng triệu người với nguồn dữ liệu lớn lưu trữ trong hệ thống, việc sử dụng các thuật toán AI giúp chúng ta dễ dàng phân tích mọi khía cạnh liên quan để có thể đưa ra những phương án phục vụ người dân một cách tốt nhất, trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân - mục đích quan trọng nhất của một đô thị thông minh...
Dịp này, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (trực thuộc SHTP) đã ký kết hợp tác với CBA Ventures (Hàn Quốc), trong đó tập trung vào hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ Blockchain, ươm tạo doanh nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ Blockchain…