Y tế - Sức khỏe
TP.HCM: Lại đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế
Trọng Tín - 30/05/2022 14:03
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố thành lập Trung tâm mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế khám, thuốc chữa bệnh như trước đây.

TP.HCM từng thành lập Trung tâm mua sắm nhưng không hiệu quả

Sở Y tế  TP.HCM vừa có báo cáo về việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và đề xuất lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc và thiết bị y tế trực thuộc UBND TP.HCM.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trước năm 2014, Thành phố từng có Trung tâm mua sắm hàng hoá và tài sản công của ngành y tế (thuộc Sở Y tế), để cung ứng và điều phối thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. Sở Y tế là chủ đầu tư, phê duyệt hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu. Sở Y tế là chủ đầu tư, thực hiện phê duyệt hồ sơ mời thầu, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, giai đoạn từ năm 2014 - 2016, Trung tâm mua sắm đã thực hiện được 6 gói thầu thuốc. Tuy nhiên, số mặt hàng trúng thầu rất thấp so với kế hoạch (khoảng 50%).

Đối với gói thầu trang thiết bị, Trung tâm đã tổ chức 12 gói thầu trang thiết bị, 205 mặt hàng, tổng giá trị các gói thầu 369 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có kết quả lựa chọn nhà thầu 1 gói thầu xe cứu thương; 1 gói thầu thiết bị lọc máu, thận nhân tạo phải hủy thầu do các hồ sơ dự thầu đều không đáp ứng hồ sơ mời thầu…

Giá trị mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế hàng năm của toàn ngành y tế TP.HCM khoảng 14.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Toàn

Sở Y tế đánh giá trung tâm mua sắm đã đảm bảo được tính minh bạch công khai công tác đấu thầu; Hạn chế sai sót tiêu cực khi các đơn vị tự tổ chức mua sắm; Giảm lãng phí do chủ động điều tiết thuốc, vật tư tiêu hao giữa các đơn; Danh mục mua sắm hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu…

Tuy nhiên, Trung tâm mua sắm chưa thực sự là một trung tâm độc lập với các cơ sở y tế và Sở Y tế, chưa đảm bảo tính khách quan khi tổ chức mua sắm do nhân sự thực hiện gói thầu (đánh giá, thẩm định) chỉ là nhân sự kiêm nhiệm của Sở Y tế (Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm, các Trưởng phòng kiêm nhiệm tổ trưởng tổ thẩm định, tổ chuyên gia), nhân sự kiêm nhiệm của các đơn vị.

Nguồn nhân lực của Trung tâm không tương xứng với quy mô mua sắm tập trung của toàn ngành y tế Thành phố. Điều này dẫn đến thời gian thực hiện mua sắm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, buộc các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác.

Ngoài ra, nguy cơ nhà thầu trúng thầu không cung ứng kịp hàng hóa dẫn đến các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác. Điều này gây khó khăn cho bệnh viện khi thanh toán bảo hiểm y tế.

Chính vì vậy, ngày 4/10/2017, UBND Thành phố có Quyết định số 5220/QĐ-UBND giải thể Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế Thành phố.

Đấu thầu tập trung nhằm kiểm soát và không đứt gãy vật tư y tế

Sở y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, ngành y tế Thành phố có 78 đơn vị sự nghiệp công lập. Để đảm bảo hoạt động thường xuyên, các đơn vị phải tự thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc với tổng giá trị 14.000 tỷ đồng mỗi năm.

Việc tự mua sắm giúp các đơn vị chủ động. Tuy nhiên, năng lực tổ chức mua sắm ở các đơn vị là khác nhau và nhìn chung đa số còn có nhiều hạn chế trong công tác đấu thầu, như: việc phê duyệt danh mục mua sắm, họp hội đồng khoa học công nghệ chưa đi sâu vào thực chất; công tác thẩm định giá gói thầu chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định; giá trúng thầu chênh lệch nhiều so với giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan…

Giá trúng thầu của hàng hóa ở mỗi đơn vị mua sắm là khác nhau do công tác mua sắm đòi hỏi tính chuyên môn cao, trong khi đó các đơn vị mua sắm hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Đặc biệt, quy định và quy trình rất nhiều nhưng các quy định chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ. Chẳng hạn, quy định về xây dựng giá kế hoạch theo quy định của Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập là “không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố” nhưng giá trúng thầu đã công bố không kèm theo cấu hình trang thiết bị, trong khi đó mỗi cấu hình thì sẽ có có giá khác nhau nên các đơn vị rất khó khăn khi xác định giá kế hoạch của trang thiết bị…

Những quy định chưa rõ ràng này gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng của những người thực hiện mua sắm.

Do vậy, Sở Y tế kiến nghị UBND Thành phố thành lập Trung tâm mua sắm tập trung Thành phố trực thuộc UBND Thành phố (thay vì chỉ có Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá Tài sản - Sở Tư pháp như hiện nay). Trung tâm mua sắm tập trung phải đảm bảo mang tính chuyên nghiệp với quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của ngành y tế.

Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm: thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian để đảm bảo đơn vị luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Trung tâm sẽ có quy chế phối hợp với các cơ sở y tế trong mua sắm, sử dụng và điều phối.

Tin liên quan
Tin khác