Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, song thu hút đầu tư trên địa bàn vẫn khả quan. Cụ thể, trong 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh) đạt 591,94 triệu USD, bằng 118,39% kế hoạch năm và tăng 7,16% so với cùng kỳ năm trước.
Đến thời điểm này, quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư cho năm 2021 tại TP.HCM ở mức rất thấp, chỉ khoảng 120 ha. |
Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 270,67 triệu USD, với 11 dự án cấp mới, 25 dự án điều chỉnh tăng vốn, tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, song có dự án quy mô vốn đầu tư lớn là Dự án của Công ty cổ phần SG Logistics (Hà Lan) với vốn đầu tư đăng ký 81 triệu USD.
“Trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, đã xuất hiện những cơ hội mới cho nhà đầu tư, cho các ngành mới”, ông Hưng cho biết. Cụ thể, kết quả thu hút đầu tư cho thấy, dịch vụ phục vụ công nghiệp như kho vận, logistics, nhà xưởng cao tầng cho thuê… được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hứa Quốc Hưng, dự báo trong thời gian tới, thu hút vốn đầu tư sẽ gặp không ít khó khăn, do tiếp tục ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như quỹ đất trên địa bàn ngày càng eo hẹp.
“Thành phố không còn quỹ đất lớn, giá thuê đất cao…, nên dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn”, ông Hưng thẳng thắn.
Hepza cho biết, theo quy hoạch các khu công nghiệp đã được phê duyệt, thì TP.HCM có khoảng 5.800 ha, nhưng đến nay, đã cho thuê được khoảng 3.800 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Hepza thừa nhận, 2 khu công nghiệp hiện còn quỹ đất tương đối lớn là Hiệp Phước và Cơ khí ô tô, song lại đang vướng mắc các vấn đề liên quan đến pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng…, nên cũng hạn chế thu hút đầu tư.
“Dự kiến đến hết quý I/2021, các vướng mắc liên quan đến pháp lý của 2 khu này sẽ được giải quyết xong”, đại diện của Hepza thông tin.
Được biết, đến thời điểm này, quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư cho năm 2021 tại TP.HCM ở mức rất thấp, chỉ khoảng 120 ha. Trong khi đó, trong 5 năm qua, quỹ đất chuẩn bị cho đầu tư ở mức 500-600 ha/năm.
Về tạo quỹ đất công nghiệp, theo Hepza, TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và dự kiến sẽ có 23 khu trong thời gian tới. Trước mắt, trong năm tới, sẽ có thêm ít nhất 1 khu công nghiệp.
Theo đó, cách đây chưa lâu, Thành phố đã đề xuất mở Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 380 ha ở huyện Bình Chánh. Đây là một khu công nghiệp chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
“Thành phố rất quyết tâm làm khu công nghiệp này. Chương trình hành động của Hepza cũng đã nêu rõ ưu tiên xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cấp có thẩm quyền đang xem xét, cho ý kiến để triển khai các bước thực hiện đầu tư, xây dựng khu công nghiệp này”, ông Hưng cho biết.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, một doanh nghiệp nước ngoài đã có dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM đang triển khai các thủ tục để đầu tư dự án nhà xưởng cao tầng có quy mô và vốn đầu tư lớn tại một khu công nghiệp trên địa bàn để cho các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng của tập đoàn này đến thuê, triển khai hoạt động sản xuất. Nhiều khả năng, dự án này sẽ được cấp phép vào dịp cuối năm nay.