Nội dung hội thảo nhằm xác định các tiêu chí của khu đô thị sáng tạo; xác định một số giải pháp chính để thực hiện các tiêu chí của khu đô thị sáng tạo, bao gồm các giải pháp về hạ tầng giao thông hiện đại, hạ tầng thông minh, khu đô thị phục vụ đầu tư nước ngoài...
Đồng thời, các ý kiến trao đổi tại Hội nghị sẽ giúp Thành phố hoàn chỉnh đầu bài sơ bộ, gửi đến các nhà đầu tư nhằm thu hút quan tâm và kêu gọi cùng tham gia thi thiết kế, cũng như tiếp tục tham gia đầu tư về hạ tầng, đầu công nghệ cao, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo vào khu đô thị sau này.
Hội thảo Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM thu hút được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về quy hoạch tỏng và ngoài nước. Ảnh: Ninh Cơ |
Tham dự hội thảo lần này có các doanh nghiệp, đại diện chính phủ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Pháp… cùng các doanh nghiệp, nhà quản lý đô thị trong nước.
Chương trình xây dựng khu đô thị sáng tạo được bắt đầu trong giai đoạn 2018-2020, khu vự được chọn phát triển đầu tiên là khu Đông TP.HCM với 3 quận gồn Quận 9, Quận 2, Quận Thủ Đức. Dự kiến ở khu đô thị sáng tạo đầu tiên này TP.HCM sẽ đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trọng điểm để liên kết các khu vực quan trọng trong khu đô thị sáng tạo gồm: Xây dựng đường Vành đai 3; Xây dựng cầu Cát Lái nối qua thành phố Nhơn Trạch; Xây dựng mở rộng Quốc lộ 13 nối với Bình Dương; Xây dựng đường sắt nối với sân bay Long Thành; Tuyến Metro số 2 nối kết Bến Thành – Thủ Thiêm; Tuyến Metro 3b; Tuyến Monorail số 2 (từ Nguyễn Văn Linh qua Thảo Điền kết nối với khu đô thị Bình Qưới Thanh Đa).
Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc xây dựng khu đô thị sáng tạo đầu tiên của TP.HCM sẽ được xây dựng tại phía Đông TP.HCM, có diện tích 212 km2, dân số khoảng 943.390 người, mật độ dân số 4.448 người/km2 (quận 2: diện tích 50 km2, dân số khoảng 155.234 người, mật độ dân số 3.105 người/km2; quận 9: diện tích 114 km2, dân số khoảng 263.486 người, mật độ dân số 2.311 người/km2; quận Thủ Đức: diện tích 48 km2, dân số khoảng 524.670 người, mật độ dân số 10.930 người/km2);
Khu vực đại học Đại học quốc gia TP.HCM; Đại học Nông Lâm; Đại học Sư phạm Kỹ thuật (quận Thủ Đức); Các trường đại học chuyên ngành (quận 9); Đại học Văn hóa (quận 2)...
Khu vực công nghiệp: Khu công nghệ cao TP.HCM (quận 9); Khu chế xuất Linh Xuân; Khu chế xuất Linh Trung 1, 2, 3 (quận Thủ Đức); Xi măng Holcim và một số nhà máy, xí nghiệp ngoài khu công nghiệp;
Cảng Cát Lái (quận 2) là cảng container lớn nhất Việt Nam; Khu vực dịch vụ tài chính quốc tế: Dự kiến tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Các khu đô thị mới: Thủ Thiêm; An Phú - An Khánh; tuyến chung cư cao tầng Bắc xa lộ Hà Nội; An Phú (quận 2); Phước Long - Phú Hữu (quận 9); Vạn Phúc (quận Thủ Đức);
Thể dục thể thao: Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (quận 2); Sân golf Lâm Viên (quận 9); Sân golf An Phú (quận 2, đã chuyển thành khu đô thị);Khu tưởng niệm các Vua Hùng; Khu vui chơi giải trí Suối Tiên; Bệnh viện quận 2, quận 9, quận Thủ Đức; Bệnh viện quân dân Miền Đông (quận 9);
Chợ đầu mối Thủ Đức; Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, trước hết là Quốc lộ 1A; cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây; đại lộ Phạm Văn Đồng - đường Vành đai 2, xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ - hầm Thủ Thiêm; tuyến Metro số 1 (dự kiến nối tuyến đến Biên Hòa, Thủ Dầu Một); Bến xe Miền Đông (mới)...
Ba (03) trụ cột để phát triển thành công khu đô thị sáng tạo là khu vực công, khu vực đại học, khu vực tư nhân. Khu vực công: Chính quyền giữ vai trò "bà đỡ", định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo, thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông; Thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc một cửa, thực hiện chế độ ủy quyền đầy đủ cho cán bộ, công chức giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh nhất; Hiệp hội đề xuất ý tưởng hợp nhất các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức trở thành một không gian đô thị thống nhất mô hình thành phố trong TP.HCM.
Khu vực đại học: Đại học quốc gia TP.HCM cùng với các trường đại học trên địa bàn thành phố là hạt nhân tri thức sáng tạo, cần phải có chương trình, kế hoạch, đề tài để hợp tác, gắn kết với khu vực tư nhân, trước hết là với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, để kết nối giữa khu vực tri thức sáng tạo với nhu cầu của khu vực sản xuất.
Khu vực tư nhân: Là một trụ cột, là động lực của khu đô thị sáng tạo và cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả. Doanh nghiệp tư nhân, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản là nhà đầu tư các dự án, công trình đáp ứng các tiêu chuẩn của khu đô thị sáng tạo.
Đối chiếu với thực tiễn tình hình thành phố, dự kiến xây dựng khu đô thị sáng tạo dựa trên các trụ cột: Đại học quốc gia TP.HCM; Khu công nghệ cao thành phố; Công viên phần mềm Quang Trung là chưa đủ, đề nghị thành phố có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực tri thức, vốn, năng lực của khu vực tư nhân để tham gia tích cực vào quá trình hình thành khu đô thị sáng tạo.
Phát triển bất động sản trong khu đô thị sáng tạo không chỉ là phát triển bất động sản kiểu truyền thống, mà còn phải là phát triển bất động sản xanh, xây dựng khu đô thị thông minh, khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, an toàn, sử dụng tiết kiệm điện, nước, năng lượng tái tạo, vật liệu mới thân thiện môi trường, xây dựng các hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian làm việc chung, tận dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh, thực tế ảo... Khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi ươm mầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cung cấp những tiện ích và dịch vụ mới phục vụ người dân, giải phóng năng lượng sáng tạo của con người.