Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có văn bản số 5390/SKHĐT-KTĐN gửi UBND Thành phố cho ý kiến thẩm định đối với Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Vị trí đề xuất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ |
Cho ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 2 phương án lựa chọn nhà đầu tư.
Phương án thứ nhất, chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 thì dự án thuộc danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Nhưng nhà đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.
Phương án thứ hai, thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, dự án chia thành 7 giai đoạn, thực hiện trong 22 năm, nhà đầu tư giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án.
Tuy nhiên, do Dự án này thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nên dự án thuộc đối tượng phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.
Với 2 phương án được nêu ra, việc chọn nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98/2023/QH15 thì doanh nghiệp đề xuất Dự án sẽ được chọn làm nhà đầu tư.
Thế nhưng, với tổng mức đầu tư lớn việc phải giải ngân trong vòng 5 năm là thách thức với nhà đầu tư.
Còn phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu dự án chưa chắc đã được chọn làm nhà đầu tư vì khi đấu thầu nhà đầu tư nào đáp ứng được các tiêu chí đưa ra thì sẽ thắng thầu.
Chính vì vậy, trong dự thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, liên danh nhà đầu tư đã đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (đại diện cho Liên danh các nhà đầu tư) gửi UBND TP.HCM hôm 13/5 thì tổng mức đầu tư của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là 113.531 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD (không bao gồm lãi vay trong giai đoạn xây dựng).
Trong tổng mức đầu tư thì chi phí xây dựng chiếm 2,1 tỷ USD, chi phí thiết bị là 1,7 tỷ USD. Tại dự án này chi phí giải phóng mặt bằng khá thấp chỉ khoảng 160 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cho biết, do Dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nên phải phân kỳ đầu tư thành 7 giai đoạn thực hiện từ nay đến năm 2045.