Điểm nóng
TP.HCM: Người dân đi chợ tự phát đông như trẩy hội trước giờ giãn cách
Việt Dũng - Lê Toàn - 09/07/2021 08:09
Trước khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân TP.HCM đã đổ xô đi mua hàng để tích trữ tại các quầy hàng tự phát bên ngoài chợ truyền thống và các siêu thị.

Chiều ngày 8/7, rất đông người dân đã tập trung tại các quầy hàng, chợ tự phát “mọc” ở ven đường và ngay cạnh các chợ truyền thống, siêu thị để mua đồ tích trữ. Điều này không chỉ gây ách tắc giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao.

Mặc dù trước đó, chính quyền TP.HCM đã liên tục thông báo rằng nguồn hàng hóa của vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể, trao đổi tại buổi họp báo vào tối ngày 8/7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ 0 giờ ngày 9/7, TP.HCM sẽ tạm ngưng tất cả các hoạt động không cần thiết. Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp sản phẩm thiết yếu vẫn được hoạt động để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Các đơn vị liên quan phải duy trì nguồn cung ứng để bà con yên tâm mua sắm hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch. 

Theo ông Đức, hiện nay, những siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo dồi dào nguồn hàng, các chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân. Đối với hoạt động giao thông, các dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn được duy trì hoạt động.

“Trong Chỉ thị 10 trước đây, Thành phố đã cấm buôn bán tại chỗ, nhưng trong đợt giãn cách này sẽ cấm luôn việc bán mang về để thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Đối với các hoạt động từ thiện như phát cơm, hỗ trợ người nghèo... vẫn được hoạt động khi tuân thủ các quy định phòng dịch như tổ chức ngăn nắp, trật tự, đảm bảo không tụ tập quá 2 người”, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Thông tin cụ thể về tình hình chuẩn bị nguồn cung cũng như đảm bảo giá cả hàng hóa cho người dân, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay nguồn cung hàng hóa về Thành phố qua kênh truyền thống là 3 chợ đầu mối, kênh phân phối hiện đại, cửa hàng lương thực thực phẩm và lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp bình ổn thị trường.

Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường, Sở Công thương đã tính toán các phương án, kịch bản cho những tình huống cần lượng hàng hóa tăng cao như những dịp lễ, tết hoặc thời điểm như hiện nay. Các doanh nghiệp hiện đã thực hiện đúng chỉ đạo của Sở Công thương là tăng lượng hàng dự trữ lớn từ hai đến ba lần. Trong đó, các doanh nghiệp như Saigon Co.op, Satra đảm bảo nguồn hàng dự trữ này tối thiểu một tháng, Saigon Co.op dự trữ đến ba tháng.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay 3 chợ đầu mối đang tạm dừng hoạt động và Sở đang phối hợp với quận, huyện mà các chợ này đóng trên địa bàn để tìm những mặt bằng, vị trí phù hợp nhằm tổ chức làm điểm trung chuyển hàng hóa cho thương nhân tập kết hàng, sau đó sẽ chuyển sang các xe nhỏ đưa về chợ nhỏ lẻ. 

Đối với các kênh mua sắm hiện đại, khi nhu cầu mua sắm người dân tăng cao, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ tăng thời gian bán hàng lên. Theo đó, tùy siêu thị sẽ mở cửa từ 6 giờ sáng, đóng cửa vào 11  hoặc 12 giờ đêm. Riêng hệ thống Bách Hóa Xanh sẵn sàng mở cửa 24/24, phục vụ cho đến người khách cuối cùng mới đóng cửa.

"Qua việc thực hiện đó cộng với lượng hàng dự trữ đầy đủ như vậy, người dân không có gì phải lo lắng, sợ thiếu hàng và không nên đổ xô đi tích trữ hàng hóa như những ngày vừa qua. Hiện nay, Thành phố đã tạo mọi điều kiện để các hệ thống phân phối được hoạt động tốt, Sở Công thương cũng đang phối hợp với các quận, huyện rà soát, đẩy nhanh tiến độ mở cửa trở lại các chợ truyền thống để đảm bảo phục vụ cho người dân”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.

Một số hình ảnh do phóng viên Báo Đầu tư Online ghi nhận vào chiều ngày 8/7.

Do lượng lớn người dân đi mua cùng một lúc nên mặt hàng rau xanh tại các cửa hàng Bách hóa Xanh “cháy hàng”. (Ảnh: Lê Toàn)
Khu vực thực phẩm tươi sống cũng không còn. (Ảnh: Lê Toàn)
Lo ngại TP.HCM sẽ thiếu hàng hóa, nhiều người tập trung tại các chợ cóc ven đường. (Ảnh: Lê Toàn)
Rau xanh, củ quả là mặt hàng có nhiều người mua nhất. (Ảnh: Lê Toàn)
Do lượng khách mua đông nên giá các thực phẩm tại đây cũng tăng cao hơn ngày thường. (Ảnh: Lê Toàn
Quang cảnh một khu chợ tự phát “mọc” bên hông chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Lê Toàn)
Nhiều người tập trung mua bán không giữ khoảng cách. (Ảnh: Lê Toàn)
Lực lượng chức năng phải dùng loa để thông báo giải tán. (Ảnh: Lê Toàn)



Tin liên quan
Tin khác