Chiều 25/8, chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, nhiều đơn vị xin cấp giấy đi đường quá mức cần thiết.
“Có doanh nghiệp đề xuất 50-60 người, nhưng thực tế không cần thiết nhiều như vậy. Nếu thực sự cần thiết thì chúng tôi sẽ báo cáo Ban Giám đốc để xem xét việc cấp giấy”, ông Hà nói.
Ông Hà giải thích thêm, theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND Thành phố phải kiểm soát nghiêm, ai ở đâu thì ở đó. Công an Thành phố được ủy quyền cấp giấy, vì vậy phải rất cân nhắc, đảm bảo giãn cách nghiêm ngặt. Do vậy, chỉ cấp cho người thực sự cần thiết.
Khi được hỏi về việc xe có mã QR nhưng vẫn bị chốt kiểm soát dịch làm khó, ông Hà cho rằng, Công an Thành phố ghi nhận có trường hợp như thế. Công an Thành phố đã tổ chức họp, rút kinh nghiệm và yêu cầu các chốt thi hành đúng quy định đề ra. Bởi theo quy định, xe đã được cấp mã QR thì được phép lưu thông, không làm khó.
Công an TP.HCM chỉ cấp Giấy đi đường cho những người thực sự cần thiết. (Ảnh minh họa - Lê Toàn) |
Cũng tại buổi họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, từ 18h ngày 23/8 đến 18h 24/8 đã lấy 317.389 mẫu, trong đó có 7.025 mẫu đơn và 5.235 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 265.478 mẫu.
Về tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm đến ngày 24/8 là 5.568.991 trong đó tổng số mũi 1 là 5.346.793, mũi 2 là 222.198, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 561.934.
Về chính sách hỗ trợ, ngày 24/8, HĐND thành phố thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch tại thành phố. Cụ thể, cao nhất là lực lượng tuyến đầu 10 triệu đồng/người; thấp nhất là 1,5 triệu đồng người.
Trung tâm An sinh Thành phố đã vận động được trên 1.861.000 túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…); đã chuyển 492.076 phần quà về các địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch; từ nay đến ngày 6/9 dự kiến sẽ chuyển hết phần còn lại. Tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị cho đủ 2 triệu túi an sinh. Thông qua Chương trình SOS của Trung tâm An sinh TP (tổng đài 1022) đã hỗ trợ 1.176 phần quà.
Về cung ứng hàng hóa, trong hai ngày đầu tiên Thành phố thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội, người dân không được ra khỏi nhà để đi chợ. Do đó, cửa hàng tiện lợi và đa số các chợ đã đóng cửa. Còn một số ít chợ đang hoạt động chủ yếu phục vụ nhu cầu đi chợ thay.
Các siêu thị cũng tạm dừng các hoạt động bán lẻ trực tiếp và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là soạn đơn theo yêu cầu. Các gói combo dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân và giao qua tổ đặc biệt của địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân.
Mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức “đi chợ hộ” cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn.
Trong các ngày 23 và 24/8, trên địa bàn 21 quận huyện và TP.Thủ Đức đã có 138.638 hộ dân đăng ký “đi chợ hộ”/2.183.247 hộ dân toàn TP (chiếm 6,35%). Theo tiến độ thực hiện này, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai “đi chợ hộ” cho 1.743.610 hộ dân và tổ chức cấp phát cho 1.089.089 hộ dân khó khăn đến hết ngày 6/9.
Về tình hình tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng, đối tượng nghiện ma túy đưa vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và Trung tâm Hỗ trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH.
“Tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào trung tâm trong ngày: 98 đối tượng (lũy kế từ ngày 11/7 đến 25/8 là 303 người). Tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy vào cơ sở xã hội Thanh thiếu niên trong 2 ngày là 18 người (lũy kế từ 11/7 đến 25/8 là: 127 người)”, ông Hải nói.