Từ nhiều năm trở lại đây, mỗi khi xảy ra mưa lớn, kết hợp với những đợt triều cường dâng cao, nhiều khu vực tại TP.HCM như: quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân... lại rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề. Nhiều tuyến đường ngập đến cả mét nước, xe cộ lưu thông hết sức khó khăn. Nước tràn vào nhà khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kênh Tham Lương - Bến Cát đang thực hiện cải tạo (Ảnh nguồn Internet) |
Để hạn chế tình trạng ngập nước trên địa bàn, TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường. Việc đầu tư này đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều khu vực đã hết ngập hoặc giảm ngập. Tuy nhiên, khi vừa xóa điểm ngập này, nhiều khu vực trên địa bàn TP lại tiếp tục phát sinh điểm ngập khác, trong đó phát sinh nhiều nhất là những điểm ngập ở khu vực ngoại thành. Theo kết quả khảo sát thực tế của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến cuối năm 2014, toàn TP có tới 33 điểm tái ngập và 29 điểm ngập mới phát sinh.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện các Quy hoạch tiêu thoát nước và chống ngập úng khu vực TP.HCM.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về tình hình thực hiện các Quy hoạch liên quan đến tiêu thoát nước, chống ngập úng khu vực TP.HCM. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo chung về phương án giải quyết chống ngập cho khu vực TP.HCM; UBND TP.HCM báo cáo việc thực hiện Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM.
Các báo cáo trên cần nêu rõ kết quả thực hiện cho đến nay, nhất là những kết quả tiêu thoát nước, giảm ngập đã đạt được. Nêu rõ số vốn đã đầu tư, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thách thức đặt ra và kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể trong thời gian tới, dự kiến kết quả đạt được theo từng giai đoạn, nhu cầu vốn đầu tư và đề xuất nguồn vốn đầu tư.