UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Theo báo cáo, TP.HCM cho rằng công tác thu hồi tài sản trong các vu án tham nhũng kinh tế đã có chuyển biến tích cực. 10 tháng đầu năm 2023, tổng số tiền phải thi hành là 74.080 tỷ đồng, đã thi hành xong 17.650 tỷ đồng, đạt 39%.
Tuy nhiên có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thể chế khi thu hồi tài sản tham nhũng.
Xét xử một vụ tham nhũng tại TP.HCM |
Theo quy định, trong quá trình điều tra chỉ cho phép kê biên tài sản có giá trị tương ứng với giá trị phạm tội và thiệt hại. Trong khi đó mức độ và giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng phải được xác định đầy đủ, cụ thể khi bản án có hiệu lực thi hành. Vì vậy việc thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn không được đầy đủ do giá trị tài sản đã kê biên trong quá trình điều tra thường thấp hơn giá trị tài sản phải thu hồi, và những tài sản khác không được kê biên trong quá trình điều tra rất dễ tẩu tán.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết các xung đột pháp luật. Với các quy định tại Điều 128 và 129 của Bộ luật Tố tụng hình sự, có thể hiểu chỉ kê biên tài sản/phong tỏa tài khoản sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Điều này dẫn đến việc thu hồi tài sản chậm do đối tượng vi phạm tìm cách đối phó, hợp pháp hóa các giấy tờ tài liệu hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản cho các đối tượng khác.
Mặt khác đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, huy động vốn rồi "ôm tiền bỏ trốn". Việc này có nguyên nhân từ việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng như không cần vốn pháp định, vốn điều lệ chỉ cam kết đóng và không có các quy định cũng như chế tài hậu kiểm tra việc góp vốn này…
Từ những khó khăn trên, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn như phong tỏa tài khoản, ngăn chặn chuyển nhượng... tất cả tài sản của người có hành vi phạm tội để việc thu hồi tài sản có hiệu quả.
Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên/phong tỏa tài sản ngay mà giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố khi phát hiện có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
UBND TP.HCM còn kiến nghị quy định cơ chế đặc thù thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra, xét xử để tránh tình trạng tẩu tán tài sản.