Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM |
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ tư diễn ra vào cuối tuần qua thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là đại diện của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thành phố thu hoạch được gì sau diễn đàn này, thưa ông?
Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc của các quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia, quốc gia nào cũng muốn tăng trưởng, thậm chí muốn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhưng vấn đề quan trọng là quá trình tăng trưởng không ảnh hưởng đến môi trường.
Muốn tăng trưởng, thì phải sử dụng năng lượng nhiều hơn, chứ tại sao phải giảm năng lượng?
Cần phải nhấn mạnh rằng, ở đây không nói giảm năng lượng sử dụng, mà là thay thế năng lượng sử dụng: từ sử dụng năng lượng hóa thạch, sang sử dụng năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời… Rõ ràng, đó là yêu cầu bắt buộc, vì hiện nay chúng ta đã khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chúng ta đều nhận thức được về sự phát triển cân bằng. “Net Zero” là đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải được tạo ra và lượng khí thải được loại bỏ khỏi khí quyển nhằm giảm sự nóng lên toàn cầu.
Tức là, vẫn sử dụng năng lượng nhiều hơn, nhưng được bù trừ cho nhau đến năm 2050 là giữ được ổn định. Như vậy, phải biết được mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng bao nhiêu năng lượng và phải biết tiết kiệm năng lượng sử dụng đó. Phần tiết kiệm được bù trừ để hỗ trợ đơn vị khác…
Ngoài ra, tăng trưởng xanh là vấn đề lớn, quan trọng, không thể nói là việc của một người, mà là của tất cả mọi người, các quốc gia, các địa phương, các tổ chức và cộng đồng dân cư trong quốc gia đó. Tất cả đều phải có trách nhiệm thực hiện, không ai đứng ngoài cuộc.
Vậy Nhà nước, cụ thể là TP.HCM, đóng vai trò gì trong chiến lược tăng trưởng xanh, thưa ông?
Thứ nhất, Nhà nước có thể xây dựng khung chính sách. Ở đây, tôi đề cập khung chính sách, còn chiến lược là của quốc gia. Thậm chí, khung chính sách này cũng được thể hiện ở quốc gia, nhưng TP.HCM cũng có khung chính sách của Thành phố, được thể hiện theo thẩm quyền, theo nghị quyết. Thậm chí, những gì chưa có trong nghị quyết, thì TP.HCM tiếp tục kiến nghị để xây dựng khung chính sách.
Thứ hai, Nhà nước có thể xây dựng bộ tiêu chí đo lường việc quản trị phát thải và giảm thải. Theo đó, mỗi nhà phải biết mình thải bao nhiêu tấn carbon, mỗi doanh nghiệp phải biết mình sử dụng năng lượng thế nào; mỗi cơ quan, trường học phải biết mình phát thải bao nhiêu tấn carbon... Trong từng ngành, như xây dựng, giao thông… cũng phải biết mình xả thải bao nhiêu… Tất cả các ngành đều phải đo lường được và tôi cho đó là bộ tiêu chí quan trọng. Nếu không làm điều này, thì chúng ta không thể tăng trưởng xanh.
Thứ ba, là hành động cụ thể. Mặc dù Chính phủ đã có kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, nhưng qua diễn đàn này, thì TP.HCM sẽ có kế hoạch hành động cụ thể hơn. Kế hoạch đó sẽ phải được thể hiện ở từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể và phải có giải pháp cụ thể.
Thứ tư, là bố trí nguồn lực. Nhà nước cần bố trí nguồn lực để tác động, kích thích, định hướng, bởi nếu chỉ ban hành khung chính sách và chiến lược thì chưa đủ. Từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, sắp tới, TP.HCM sẽ bố trí nguồn lực này, sẽ “bơm vốn” nhiều hơn để kích thích nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tăng trưởng xanh của Thành phố.
Cuối cùng, các cơ quan nhà nước phải tiên phong trong hành động, như khuyến khích sử dụng điện mái nhà, ô tô điện, mua sắm tiêu dùng những sản phẩm xanh. Để có được sản phẩm xanh thì phải bắt đầu từ khoa học, công nghệ, nghiên cứu, sáng tạo. Điều này đồng nghĩa, sản phẩm xanh sẽ có giá cao; nếu sản phẩm giá cao, xã hội không dùng, thì doanh nghiệp không thể phát triển được. Do đó, để người dân tin, tạo động lực cho doanh nghiệp, thì tiêu dùng của nhà nước phải đi đầu, dẫn dắt và mở đường cho tiêu dùng xã hội.
Ông có thể cho biết, sau diễn đàn này, TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh như thế nào?
Từ nay đến cuối năm, TP.HCM có kế hoạch nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách, bộ tiêu chí để triển khai tăng trưởng xanh. Giao thông, xây dựng, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp…, tất cả các ngành kinh tế đều phải có tiêu chí. Khi xây dựng được tiêu chí, thì mới có chính sách khuyến khích phù hợp.
Cũng trong thời gian này, TP.HCM sẽ xem xét nghiên cứu yếu tố tăng trưởng xanh trong GRDP của Thành phố. Ví dụ, nói GRDP tăng trưởng 0,93%, thì yếu tố tăng trưởng xanh trong đó có thể bao gồm khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ để giảm phát thải… Đây là bước đi đầu tiên rất quan trọng. Có thể, trong năm tới, TP.HCM sẽ có bộ tiêu chí này.