Chiều ngày 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế TP.HCM cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Viettel đã có buổi họp trực tuyến nhằm thống nhất phương án triển khai sử dụng “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” sẽ giúp TP.HCM quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh.
Hệ thống phần mềm quản lý cách ly sẽ được triển khai trên hạ tầng hiện tại của trang web tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Vietnam Health Decleration (VHD).
Các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình.
Dự kiến mỗi ngày, người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở...
Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ.
Quy định cách ly y tế tại nhà cho F1. |
Hiện tại, các sở ban ngành đang cùng thống nhất lại các nội dung và kỹ thuật cần triển khai để hoàn thành phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế”.
Dự kiến phần mềm sẽ được chính thức vận hành vào ngày 17/7 trên toàn địa bàn TP.HCM.
Cũng trong chiều 11/7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn, gửi các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm y tế các quận huyện, phòng khám/cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, hiện nay số lượng ca bệnh Covid-19 được phát hiện qua khám sàng lọc tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh rất lớn, có thể hơn 100 ca mỗi ngày.
Tuy nhiên, thông tin ca bệnh từ các đơn vị gửi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố không đầy đủ, đặc biệt là thông tin cá nhân, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra truy vết.
Nhằm có đầy đủ thông tin phục vụ việc điều tra, truy vết, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tuân thủ thực hiện Quyết định số 5053 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”, đặc biệt lưu ý một dung.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. |
Thứ nhất, đối với người bệnh có chỉ định hoặc có nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19: lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn người bệnh ở lại chờ kết quả.
Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, tiếp tục lấy mẫu đơn làm RT-PCR và chuyển viện nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì trả kết quả xét nghiệm cho người bệnh và hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trường hợp người bệnh không có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính thì cách ly người bệnh tạm thời và lấy mẫu đơn làm xét nghiệm RT-PCR cũng như chuyển viện nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính.
Thứ hai, đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa khi xét nghiệm SARS-CoV-2 khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm phải đảm bảo phân luồng hợp lý, tuân thủ giãn cách, tránh ùn ú người bệnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm; thu thập đầy đủ thông tin của người bệnh để khi cần có thể điều tra, truy vết.
Các phòng khám đa khoa, phòng xét nghiệm nếu đủ điều kiện làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 nhưng chưa được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định RT-PCR cần lưu ý 2 vấn đề.
Đầu tiên, cần phối hợp với các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 để chuyển mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR.
Sau đó, nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính thì khẩn trương lấy mẫu đơn để xét nghiệm RT-PCR, phối hợp Trung tâm y tế trên địa bàn để cách ly người bệnh ở khu cách ly tập trung; đồng thời báo cáo về Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố.
Sở Y tế TP.HCM lưu ý các đơn vị tuyệt đối không được trả kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính cho người bệnh để người bệnh đi lại tự do, làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin đợt 4 tại phường Thạnh Mỹ Lợi (Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức). |
TP.HCM dự kiến triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vắc xin phòng Covid-19 với số lượng ban đầu dự kiến là 1,1 triệu liều vắc xin tiến hành trong 2-3 tuần.
Trong thời gian thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, Thành phố sẽ tận dụng thời gian “vàng” để tiến hành triển khai hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 song song cùng với hoạt động xét nghiệm tầm soát và điều tra truy vết trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong tháng 7, theo dự kiến ban đầu Thành phố sẽ nhận được 1 triệu liều vắc xin từ nguồn tài trợ của Hoa Kỳ theo cơ chế Covax và 100.000 liều Astra Zeneca từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Theo kế hoạch thì trong đợt tiêm chủng này, người được tiêm ưu tiên trong đợt này sẽ là người dễ bị tổn thương và nằm trong các vị trí nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên địa bàn quận huyện, ngoài ra còn các nhóm theo nghị quyết 21.
Thành phố dự kiến sẽ lập điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận huyện và mỗi quận huyện sẽ tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm chủng khác.
Cùng với đó là tổ chức 630 điểm tiêm chủng, dự kiến tiêm cho 120 người/1 điểm tiêm/1 ngày.
Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm chủng sẽ diễn ra trong các khung giờ 8h- 13h và 15h – 20h hàng ngày trong suốt thời gian triển khai.