Y tế - Sức khỏe
TP.HCM: Số ca tử vong xu hướng giảm mạnh; Xem xét “thẻ xanh”, “thẻ vàng” để lưu thông
Việt Dũng - 10/09/2021 20:40
Chiều 10/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố trong 24 giờ qua.

F0 có dấu hiệu chuyển nặng giảm đáng kể

Mở đầu buổi họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, số liệu người tử vong tại TP.HCM giai đoạn gần đây giảm đáng kể.

Cụ thể, tính đến 18h ngày 9/9, TP.HCM có 279.223 ca mắc Covid-19. Thành phố đang điều trị 39.617 bệnh nhân, trong đó có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 9/9, toàn Thành phố có 195 trường hợp tử vong, giảm 97 ca so với ngày 23/8 (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.604).

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin tại buổi họp


Ông Hải thông tin thêm, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế gồm 4 Tổ công tác với các nhiệm vụ theo lĩnh vực.

Hiện nay, các tổ công tác khẩn trương xây dựng các kịch bản theo 2 giai đoạn. Quá trình xây dựng kế hoạch đều lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành… để chính thức có kế hoạch chung và ban hành.

Tình hình thực hiện đi chợ hộ đăng ký trong ngày là 71.209 hộ, giảm 17,08% (tương đương giảm 14.673 hộ) so với ngày hôm trước. Có 14/22 địa bàn có nhu cầu đăng ký giảm.

Kết quả có 72.979 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 102,5% số hộ đăng ký. Tỷ lệ vượt 100% (nhưng có xu hướng giảm kể từ ngày 1/9 trở lại đây) chứng tỏ năng lực đáp ứng được tăng cường, nhưng đồng thời còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.

Từ ngày 15/8 đến 10/9, số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP.Thủ Đức là hơn 1,7 triệu túi (tăng 5.000 túi so với ngày 9/9).

Thông tin về việc tiêm trộn vắc-xin, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, với các trường hợp thiếu vắc-xin thì Bộ Y tế hướng dẫn tiêm trộn mũi 2 Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca. Mới đây, Bộ cho phép tiêm trộn Pfizer - Moderna. Theo đó, Sở Y tế đã có hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo an toàn từ sàng lọc trước, theo dõi sau tiêm và giám sát sự cố sau tiêm, quy trình hồi sức cấp cứu.

Về người nước ngoài tại TP.HCM, quan điểm của Thành phố là không phân biệt. Trong tất cả kế hoạch, Thành phố luôn nhấn mạnh việc tiêm cho tất cả người trên 18 tuổi tại thành phố và thực hiện trong thực tế.

Hiện, trung bình số ca nhập viện khoảng 3.500-4.000/ngày, đa số nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện được chăm sóc tại nhà.

Thành phố và Trung ương đang tiếp tục mở các bệnh viện như Bệnh viện Hồi sức 5G, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội ở quận 6… Bên cạnh đó, thành phố có nhiều giải pháp hỗ trợ công tác điều trị như gói thuốc A, B, C và thuốc được Bộ Y tế cấp hoặc từ nhà tài trợ. Trong giai đoạn hiện nay, năng lực điều trị của thành phố được đảm bảo.

“Trước đây, hàng ngày đi trên đường, số xe cấp cứu rất nhiều, nhưng gần đây đã ít đi. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển nặng đã giảm đi đáng kể”, ông Nam thông tin.

Sử dụng “thẻ xanh, thẻ vàng” để lưu thông

Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, trong thời gian tới TP.HCM sẽ có phương án nới lỏng giãn cách, khi đó sẽ có cái tiêu chí ví dụ như xác định tiêu chí “thẻ xanh”, “thẻ vàng” để lưu thông an toàn.

Do vậy, Công an TP.HCM và Bộ Công an đã triển khai ứng dụng VN-eID. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin về tiêm vắc-xin, trường hợp F0, các thông tin đầy đủ về giấy đi đường… thì ứng dụng này sẽ giống như thẻ xanh (thẻ thông hành).

“Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an để liên hệ Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để cập nhật đầy đủ dữ liệu về tiêm ngừa vắc-xin, các trường hợp F0 nhằm thực hiện nội dung này”, ông Hà nói.

Lực lượng chức năng sẽ kiểm soát người đi đường thông qua ứng dụng mới. (Ảnh: Lê Toàn)


Liên quan đến người lao động ngoại tỉnh đã tiêm 2 mũi vắc-xin muốn về TP.HCM làm việc, hoặc người dân ngoại tỉnh vào TP.HCM khám chữa bệnh thì phải làm sao. Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, quan điểm của Công an TP.HCM là hỗ trợ người dân tối đa nhưng cần đảm bảo quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho người dân sau khi TP.HCM nới lỏng một số biện pháp giãn cách từ 7/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an thành phố đã cấp thêm giấy đi đường cho 21 quận huyện, mỗi quận huyện là 100 giấy đi đường. Riêng đối với TP.Thủ Đức là 300 giấy. Như vậy, Công an TP.HCM đã cấp thêm 2.400 giấy đi đường.

Về các cửa hàng, quán ăn được hoạt động theo quy định mới trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương, ông Hà cho biết, Công an thành phố hiện chưa nhận được nội dung tham mưu liên quan đến việc cấp phép cho nhóm này.

“Sau khi nhận được thông tin, Công an TP.HCM sẽ cấp bổ sung”, ông Hà nói.

Tin liên quan
Tin khác