Y tế - Sức khỏe
TP.HCM: Tăng tốc độ bao phủ vắc-xin mũi 1 đến hết ngày 15/9.
Việt Dũng - 12/09/2021 20:19
Từ nay đến ngày 15/9, thành phố cơ bản hoàn thành bao phủ vắc-xin mũi 1 và tiêm nhắc mũi 2 đúng hạn cho người dân. UBND quận huyện, TP.Thủ Đức chủ động thực hiện.

Đã tiêm hơn 1,3 triệu mũi vắc-xin thứ 2

Chiều 12/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Thông tin tại buổi họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo cho biết, thành phố bắt đầu tổ chức chiến dịch cao điểm tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Cụ thể, đến hết ngày 15/9 cơ bản hoàn thành bao phủ vắc-xin mũi 1 và tiêm nhắc mũi 2 đúng hạn cho người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại thành phố. Việc tổ chức tiêm chủng do UBND quận huyện, TP.Thủ Đức chủ động thực hiện.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin tại buổi họp


Theo ông Hải, nguyên tắc của tiêm vắc-xin dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo, vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất; tiêm phủ vắc-xin là chìa khóa quan trọng để trở lại trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn để các ngành nghề hoạt động trở lại.

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc liên thông, kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiêm chủng Covid-19 với phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an.

Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận chủ trương kết nối, đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Viettel cung cấp danh sách người được tiêm Covid-19 (mũi 1, mũi 2) từ Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; hỗ trợ UBND TP.HCM kết nối các nguồn dữ liệu giữa Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Hải thông tin, tính đến 18h ngày 11/9, có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP, bao gồm 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 39.296 bệnh nhân, trong đó: có 2.914 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. 

Trong ngày 11/9, có 2.925 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 150.341), 200 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.992).

Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 10/9 đến 18h ngày 11/9, đã lấy gần 476.000 mẫu, trong đó có 7.674 mẫu đơn và 9.334 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 402.819 mẫu.

Về tiêm chủng vắc-xin, tổng số mũi tiêm đến ngày 11/9 là 7,7 triệu (tăng 239.191 mũi vắc-xin so với ngày 10/9) trong đó tổng số mũi 1 là gần 6,5 triệu, mũi 2 là 1,3 triệu, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 882.292.

Không cấp chứng nhận cho F0 tự điều trị mà không khai báo

Thông tin về việc cung cấp chứng nhận khỏi bệnh cho F0 cách ly tại nhà, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mới đây UBND TP.HCM ban hành văn bản về việc giám sát F0 tuân thủ cách ly tại nhà.

Nhưng thực tế có trường hợp địa phương không quản lý F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã hoàn thành cách ly nhưng không nhận được chứng nhận. Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý phải tổ chức giám sát chặt chẽ, tuân thủ cách ly y tế với các F0 này.

Trong trường hợp người cách ly không tuân thủ cách ly tại nhà, địa phương phải chuyển vào khu cách ly tập trung. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 có trách nhiệm ban hành quyết định cách ly và cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly.

Theo ông Châu, với người tự làm xét nghiệm dương tính bằng test nhanh, tự điều trị mà không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để địa phương cấp giấy chứng nhận trường hợp đó từng là F0. Do đó, khi có kết quả test nhanh dương tính, người dân phải báo với ngành y tế địa phương để quản lý và cấp thuốc đặc trị.

Thông tin về mức độ bảo vệ của người đã tiêm vắc-xin. Phó giám đốc Sở Y tế phân tích, sau khi tiêm một mũi vắc-xin, cơ thể có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. Nhưng tiêm 2 mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn. 

Về mặt khoa học, tất cả vắc-xin đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định và không bao giờ đạt 100%. Tỷ lệ bảo vệ nhiễm bệnh dao động khoảng 70-80%, như vậy vẫn có 20% trường hợp bị nhiễm sau khi tiêm.

Riêng với biến chủng Delta, có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch, tức hệ miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này. Do đó, chủng Delta làm nhiều người tiêm vẫn nhiễm bệnh. Thống kê trên thế giới cho thấy người đã tiêm 2 mũi vắc-xin thì khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không nhiễm nặng, với tỷ lệ khoảng 90%.

“Với 90% trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin thì thường bệnh nhẹ, không cần thở oxy, hồi sức tích cực, nhưng vẫn có 10% bệnh nặng và tử vong. Không phải trường hợp nào cũng có đủ kháng thể để bảo vệ được cơ thể", ông Châu nói.

Tin liên quan
Tin khác