Tiêu dùng
TP.HCM thiếu xăng dầu do thương nhân không nhập hàng vì thua lỗ
Lê Quân - 10/10/2022 14:48
UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, có tình trạng thương nhân phân phối xăng dầu không nhập hàng để kinh doanh vì thua lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn cung cho hệ thống bán lẻ xăng dầu.

Theo báo cáo hôm nay (10/10) của Sở Công thương TP.HCM ghi nhận tới ngày 9/10, có 58 cửa hàng xăng dầu tại Thành phố tạm hết xăng, nhưng vẫn mở cửa bán dầu bình thường. Một số cửa hàng chỉ bán cho người dân với mức từ 30.000 đến 50.000 đồng/xe máy.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp thời vì xe vận chuyển xăng, dầu không được đi vào giờ cao điểm.

Do vậy, Sở Công thương kiến nghị Công an TP.HCM và Sở Giao thông - Vận tải tạm thời cấp phép cho xe chở xăng, dầu được đi vào giờ cao điểm từ 9 giờ đến 16 giờ và từ 18 giờ đến 22 giờ để giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu hiện nay.

Sáng 10/10, cây xăng Petrolimex trên đường Lê Hồng Thái, quận 1, TPHCM dù đông người xếp hàng chờ nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ xăng cho người dân - Ảnh: Lê Toàn

Cũng ngay hôm nay, UBND TP.HCM đã có văn bản số 3680/UBND-KT gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM và đề xuất giải pháp tháo gỡ để đảm bảo cung ứng đủ xăng, dầu phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

UBND TP.HCM cho biết, do tình hình khó khăn chung, hiện nay, có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì thua lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối. Ngoài ra, có một số lý do khách quan như ảnh hưởng của bão khiến quá trình vận chuyển xăng dầu bị gián đoạn.

Một lý do nữa là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường Thành phố. Bởi vì thời điểm trước mức dự trữ bình quân của doanh nghiệp này khoảng 100.000 đến 120.000 m3/tháng, sản lượng bán bình quân khoảng 1.160 m3/ngày, tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đã ngưng nhập khẩu xăng dầu.

Mặt khác, hiện nay, giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Từ thực trạng khó khăn hiện nay để không bị gián đoạn nguồn cung, cung ứng đầy đủ kịp thời xăng dầu đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu giá của mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét đề nghị Bộ Tài chính Ngân hàng Nhà nước các cơ quan có liên quan, quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó, cần xem xét hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Qua ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn sáng 10/10, tại nhiều cây xăng ở TP.HCM lượng người đến đổ xăng khá đông, nên phải xếp hàng chờ. Dù phải xếp hàng chờ nhưng người dân vẫn dễ dàng mua được xăng và được mua đầy bình thay vì phải chờ đợi và mua với hạn mức như 2 ngày trước.

Trước tình hình thiếu xăng dầu tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu), yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Tổng cục Quản lý thị trưởng yêu cầuCục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Tin liên quan
Tin khác