Tiêu dùng
TP.HCM thực hiện hàng loạt chương trình bình ổn giá khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Hoài Sương - 03/04/2023 21:58
Chương trình bình ổn thị trường TP.HCM năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia.

Tăng số lượng doanh nghiệp tham gia bình ổn

Chiều 3/4, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức họp báo về hoạt động của ngành công thương quý I năm 2023 và các kế hoạch trong thời gian tới.

Thông tin về chương trình bình ổn thị trường năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM, Sở Công thương công bố các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ học tập với cơ chế thực hiện từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/3/2024.

Các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM cam kết giữ giá bán và có nhiều chương trình khuyến mãi.

Theo kế hoạch chương trình, có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường (tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2022) với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (đã bao gồm mặt hàng sữa) và được bổ sung thêm mặt hàng bột, thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, cháo tươi, tập vở… chiếm từ 23-31 % nhu cầu thị trường trong tháng thường và từ 25-43 % trong tháng Tết.

Cụ thể, hoạt động phân phối sản phẩm bình ổn thị trường có các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cả nước như: Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Central Retail (hệ thống Big C, Go!, Top Market…), MM Mega Market, AEON, Fahasa, Satra…

Trong đó, một số đơn vị lần đầu tham gia chương trình như: Công ty LD Bột quốc tế (bột Mikko), Công ty Anh Kim (cháo Cây Thị), Công ty Wincommerce (hệ thống Winmart, Winmart+…).

“Điểm mới khi thực hiện chương trình năm nay là đa số doanh nghiệp cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và nhằm kích cầu mua sắm trong thời gian tới. Trong đó, chương trình bình ổn khi có sự điều chỉnh lớn về giá bán phải trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan như: doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính)”, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM thông tin.

Hàng nghìn mặt hàng thiết yếu được cam kết bình ổn giá

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua Công ty MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi triển khai hai chiến dịch về giá được xem là lớn nhất trong năm tại tất cả các trung tâm MM trên toàn quốc gồm: Giá sỉ dành cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống và khóa giá dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu.”

Đặc biệt, “danh mục hàng bình ổn giá” của MM trải rộng hơn 500 sản phẩm thiết yếu với chương trình “khóa giá” từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, vật dụng gia đình, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm và nhu yếu phẩm… Như vậy, người tiêu dùng có thể mua sắm sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất tại hệ thống siêu thị này trong 3 tháng (tháng 4, 5 và 6) kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Tham gia chương trình, hệ thống GO! & Big C dự kiến đem đến cho người tiêu dùng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn từ nay đến cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, chiến dịch “Giá luôn luôn rẻ hơn” với hơn 1.000 sẽ được bình ổn đến cuối năm 2023, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu hơn trong việc mua sắm.

Tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá được thực hiện từ ngày 23/2-5/4 với chương trình giảm giá theo kỳ cẩm nang mua sắm như: Căn bếp nhỏ, hạnh phúc to; Mua sắm xanh – Sống an lành… với hàng loạt ưu đãi như: Giảm giá trực tiếp nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, rau, củ, quả lên đến 25%; áp dụng ưu đãi “Mua nhiều ưu đãi lớn” và “Giá sốc giảm tận gốc” xuyên suốt 14 ngày để thúc đẩy mua sắm, định kỳ cuối tuần…

Có thể thấy, dù đầu vào cho các sản phẩm đang tăng nhưng doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đều cam kết giữ giá cho người dân. Để hỗ trợ các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, Sở Công thương TP.HCM sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện này.

Tin liên quan
Tin khác