Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thanh Phong cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư (Liên danh Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168) làm nhà đầu tư thực hiện Dự án, theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu.
“Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Thành phố sẽ triển khai nghiên cứu việc di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B hiện hữu về vị trí khác phù hợp tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè để triển khai thực hiện đồng thời với việc đầu tư Dự án Xây dựng Cầu Thủ Thiêm 4”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
. |
Được biết, Liên danh Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 đã xác nhận sẽ sẵn sàng ứng vốn đầu tư di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B hiện hữu về xây dựng tại địa bàn cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè nếu có chủ trương thực hiện.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới phía Nam TP.HCM. Cầu có tổng chiều dài khoảng 2.160 m, trong đó cầu chính từ bờ quận 7 đến phía quận 2 có quy mô 6 làn xe; nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ quận 7, từ cầu chính đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát quy mô 2 làn xe; cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 quy mô 4 làn xe. Chiều dài cầu chính là 1.565 m, có khẩu độ, tĩnh không 80x10 m.
Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tổng vốn đầu tư khoảng 5.254 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay trong quá trình thi công, các chi phí tài chính có liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư. Các chi phí này sẽ được xác định trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng.
Trước đó, theo ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải tại Công văn số 8576/BGTVT-ĐTCT ngày 26/7/2016, khi triển khai thực hiện đầu tư Dự án Xây dựng Cầu Thủ Thiêm 4 với khẩu độ, tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 là BxH=80x10m sẽ làm ảnh hưởng đến bến cảng Tân Thuận Đông, giảm khả năng tiếp nhận tàu cập cảng tại các cầu tàu K12, K142A, K12B của cảng Sài Gòn…; còn nếu đầu tư Cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không tương đương cầu Phú Mỹ là 45 m thì sẽ đảm bảo duy trì được hoạt động khai thác, khả năng tiếp nhận tàu của các bến cảng hiện hữu, tuy nhiên tổng mức đầu tư cho Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ rất cao.
Theo UBND TP.HCM, căn cứ Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Khu bến cảng trên sông Sài Gòn (gồm 11 bến cảng/cầu cảng cho tàu có trọng tải 20.000 đến 30.000 tấn hoạt động) sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng; chuyển đổi một phần bến cảng Khánh Hội làm bến cảng khách nội địa và Trung tâm Dịch vụ hàng hải (nhưng chưa bao gồm việc di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B).
Hiện nay, lưu lượng các phương tiện giao thông từ hướng huyện Nhà Bè, quận 4, quận 7 đi các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thông qua đường Nguyễn Tất Thành rất lớn, cùng với lưu lượng lớn xe container ra vào các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7. Điều này đang gây ra các “điểm đen” về ùn tắc giao thông, dẫn đến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông tại khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ…