Thời gian qua, tại khu vực đường Trường Sơn - điểm nối giao thông từ trung tâm TP.HCM vào sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ giao thông nghiêm trọng.
Mặc dù Thành phố đã khánh thành và đưa vào hoạt động những tuyến đường nối như Hồng Hà, Phạm Văn Đồng nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông vẫn diễn ra ngày một nghiêm trọnm, khiến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất lâm vào cảnh quá tải hạ tầng giao thông.
UBND TP.HCM báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về những dự án giao thông cần triển khai gấp của Thành phố. Ảnh: Gia Huy |
Bên cạnh đó, việc đầu tháng 7/2016, UBND TP.HCM gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai thay thế phà Cát Lái và nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 cũng được bàn tới tại buổi gặp.
Trình bày việc xin được thực hiện sớm xây dựng cầu Cát Lái, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh công trình cầu thay phà Cát Lái sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng theo tác động tương hỗ với sự phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực, kéo giảm ùn tắc giao thông khi tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái, rút ngắn thời gian đi lại, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông của khu vực nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Cũng theo người đứng đầu UBND TP.HCM, trước đó, hồi tháng 4/2016, trong công văn gửi Ủy ban Thành phố, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây cầu thay phà Cát Lái theo hình thức Hợp đồng BOT. Sau đó, một công ty xây dựng cũng có tờ trình Thành ủy và UBND Thành phố đề xuất thực hiện dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bàn về việc giảm tải giao thông tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh cho biết, Sân bay Tân Sơn Nhất đã thật sự quá tải từ năm 2015. Theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có công suất 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, hiện tại, con số này đã vượt quá 31 triệu hành khách/năm.
Với sự tăng trưởng nóng, nhà ga, bãi đỗ, đường lăn tại Sân bay đều không đáp ứng được nhu cầu. Về tình trạng kẹt xe trầm trọng ở khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng chỉ rõ nguyên nhân là do tuyến đường Trường Sơn vào Sân bay vẫn là tuyến độc đạo. Trong đó, hơn 50% lượng xe ôtô và hơn 90% lượng xe máy sử dụng đường Trường Sơn để lưu thông đến các quận khác chứ không phải để vào sân bay.
Về giải pháp, hiện tại, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Quốc phòng để bàn giao khoảng 21 ha đất Quốc phòng nhằm mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và đường lăn. Cùng với đó là nghiên cứu phương án làm một nhà ga lưỡng dụng và mở thêm đường ra hướng đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám để giảm tải cho đường Trường Sơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng đẩy nhanh việc giao đất Quốc phòng để ngành Hàng không mở rộng sân đỗ, đường lăn.
Trong vấn đề điều hành bay, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế các chuyến bay chờ trên trời, nhưng phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp xem xét đề xuất nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với vấn đề xây dựng cầu Cát Lái, Phó thủ tướng cho biết sẽ báo cáo lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để có hướng cho TP.HCM triển khai dự án.
Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến metro số 1 và làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2016.