Tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, diễn ra vào chiều 15/7, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố đã thông tin về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Ông Mãi cho biết, Thành phố nhận thức Nghị quyết 98 là động lực quan trọng, tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, phát triển đúng với vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 98 ngay từ sớm đã được lãnh đạo thành phố xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình công tác.
Về những công việc UBND Thành phố đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 98, ông Mãi cho biết, ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch chuẩn bị triển khai với 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023; 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023.
Kế hoạch yêu cầu cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện cho các sở, ngành, doanh nghiệp trực thuộc và các địa phương. Theo đó, UBND thành phố phân thành 2 nhóm nhiệm vụ cho sở, ngành, gồm 28 tờ trình phải trình HĐND thành phố thông qua và 25 nhiệm vụ trình UBND thành phố quyết định.
Các nhiệm vụ tương ứng với 7 lĩnh vực gồm quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: Thuận Văn |
Ở lĩnh vực quản lý đầu tư, phải phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công; khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế.
Cụ thể, trong tháng 9, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải trình quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật những dự án đầu tư công độc lập vùng phụ cận các nhà ga đường sắt đô thị và nút giao thông dọc tuyến Vành đai 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư trình quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu Đề án thực hiện phương thức đối tác công - tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa. Sở Giao thông Vận tải trình đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, ông Mãi cho biết trong tháng 7 này, Sở Nội vụ phải trình kế hoạch bổ sung Phó chủ tịch HĐND TP. Thủ Đức, Phó chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và 3 huyện cũng như Phó chủ tịch cấp xã có dân số 50.000 người trở lên.
Ngoài ra, trong tháng 8/2023, UBND TP. Thủ Đức chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ trình đề án thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP. Thủ Đức.
Tháng 9/2023, Sở Nội vụ trình dự thảo quyết định ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp tình hình thực tiễn. Đồng thời, trình dự thảo quyết định ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.
Với Sở Tài chính, trong tháng 7 tham mưu tờ trình bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn để UBND thành phố trình lên HĐND thành phố.
Việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển và khả năng cân đối nguồn lực. UBND thành phố yêu cầu trước ngày 15/11 hằng năm, các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện.
Trong tháng 9/2023, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu tờ trình thành lập Sở An toàn thực phẩm để UBND TP.HCM trình lên HĐND thành phố. Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố. Sở này hình thành từ việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cho Sở An toàn thực phẩm. Sau khi được thành lập, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên có Sở An toàn thực phẩm.