- TP.HCM đang chọn phương án khả thi nhất "cứu" Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
- TP.HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đình trệ, phát sinh 2.369 tỷ đồng tiền lãi vay
- Khi nào hoàn thành gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM
- TP.HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có nguy cơ thiếu cát khi thi công trở lại
Ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, ký văn bản số 271/BC-UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (hay còn gọi là Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).
Theo UBND TP.HCM, hiện nay Dự án đang gặp vướng mắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành phần còn lại của công trình.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547. Do vậy, không thể trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I dừng thi công từ năm 2020 đến nay do chưa được thanh toán quỹ đất BT - Ảnh: TN |
Để có vốn thi công tiếp công trình, UBND TP.HCM từng kiến nghị Tổ công tác của Chính phủ thống nhất phương án và xem xét trình Chính phủ ban hành nghị quyết để chấp thuận cho Thành phố thực hiện ủy thác từ ngân sách cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố (Công ty HFIC). Từ đó HFIC cho nhà đầu tư vay để hoàn thiện nốt công trình vì hiện nay tiến độ đã đạt hơn 90%.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến phương án kiến nghị của TP.HCM là chưa phù hợp do Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho HFIC để quỹ này cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án.
Khó khăn tiếp theo là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT do các quy định hiện nay chưa thống nhất dẫn đến việc điều chỉnh dự án gặp vướng mắc về pháp lý.
Vì vậy, UBND TP.HCM đề xuất phương án tháo gỡ là cho phép Thành phố điều chỉnh dự án vì hiện nay tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót.
Do việc điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian nên UBND TP.HCM đề xuất thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết Phụ lục Hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.
Sau khi điều chỉnh Phụ lục Hợp đồng BT thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021.
Đây chính là cơ sở để Thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong Hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho Nhà đầu tư để thi công phần còn lại của công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn đến nay dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng. Theo báo cáo của nhà đầu tư, do kéo dài thời gian thực hiện nên Dự án phát sinh chi phí lãi vay và các chi phí khác dẫn đến tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng.