Chuyển động thị trường
TP.HCM tuyên chiến với xây dựng không phép
Gia Huy - 18/12/2019 13:19
Trước thực trạng còn quá nhiều dự án xây dựng không phép và trái phép, chính quyền TP.HCM yêu cầu trong tháng 12/2019, các sở, ngành liên quan phân loại mức độ công trình vi phạm để tháng 1/2020 có cơ sở xử lý nghiêm bằng nhiều biện pháp như hành chính, kinh tế và cả xử lý hình sự.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (ngoài cùng, bên phải) đi kiểm tra việc xây dựng không phép tại quận Thủ Đức.

Loạn vi phạm trong xây dựng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, UBND TP.HCM cho biết, năm nay, Thành phố đã phát hiện 2.560 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 910 trường hợp xây dựng sai phép, chiếm 35,5% số vụ vi phạm; xây dựng không phép là 1.054 trường hợp, chiếm 41,2%; vi phạm khác là 596 trường hợp, chiếm 23,3%. 

Mặc dù số vụ vi phạm trong năm nay giảm, nhưng đã xuất hiện những vụ xây dựng không phép lớn, khiến UBND TP.HCM phải ra lệnh xử phạt.

Chẳng hạn, tháng 6/2019, UBND quận 7 phát hiện Dự án Green Star Sky Garden do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát (gọi tắt là Công ty Hưng Lộc Phát) tại phường Phú Mỹ, quận 7 xây dựng xong phần thô 110 căn biệt thự, nhưng không hề có giấy phép xây dựng. Sau đó, UBND quận 7 báo cáo lên UBND TP.HCM và đơn vị này đã quyết định tạm dừng Dự án; tổ chức kiểm điểm cá nhân, đơn vị liên quan; thành lập tổ kiểm tra rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án này. Tới nay, dự án trên vẫn chưa có kết luận kiểm tra và số phận 110 căn biệt thự không phép kia chưa biết sẽ ra sao.

Cũng trong tháng 6/2019, TP.HCM lại phát hiện Dự án Laimain City nằm trong trung tâm Khu đô thị An Phú - An Khánh (quận 2), do Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư, xây không phép 13.000 căn hộ chung cư. Sau đó, UBND quận 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1502/QĐ-XPVPHC, với số tiền xử phạt 40 triệu đồng…

Mới đây, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý trật tự xây dựng dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Tại hội nghị này, hàng loạt hành vi xây dựng không phép tại các quận, huyện đã được nêu ra.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 1.550 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhưng sau 5 tháng triển khai Chỉ thị 23-CT/TU, chỉ có 804 trường hợp vi phạm. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày, thì sau khi thực hiện chỉ thị đã giảm 3,1 vụ/ngày. Trong số các quận, huyện dẫn đầu về vi phạm trật tự xây dựng, Thủ Đức đứng đầu danh sách với 144 vụ, tiếp theo là quận 9 (có 111 vụ), quận 12 (có 100 vụ), quận 2 (59 vụ)…

Tuyên chiến với xây dựng không phép

Cũng tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận, huyện để xảy ra các vụ xây dựng sai phép, trái phép tăng hoặc không giảm sau hội nghị cần thảo luận sâu hơn. Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đến hết tháng 12/2019, các sở, ngành liên quan phải phân loại mức độ công trình vi phạm để đến tháng 1/2020, các quận, huyện có cơ sở xử lý.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, những hành vi vi phạm trật tự xây dựng có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân xuất phát từ người trực tiếp xây dựng. Có sai phạm do cố ý của nhà đầu tư, làm ăn chụp giật, không vì quyền lợi của người thụ hưởng sau này, mà vì lợi ích trước mắt của mình. Một số nhà đầu tư gian dối, đã bất chấp pháp luật, sống trên pháp luật, đã bị cơ quan nhà nước xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế, nhưng vẫn không chấp hành. Đồng thời, cũng có những sai phạm có phần lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, của chính sách, liên quan đến quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch…

Vì thế, để cải thiện, theo ông Võ Văn Hoan, với cơ quan nhà nước, cần phải tạo thuận lợi cho người dân thuận tiện làm các thủ tục hành chính. TP.HCM kiên quyết lập lại trật tự xây dựng không phải vì lợi ích của cá nhân ai, mà vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của toàn Thành phố mang tính bền vững, ổn định, nên công chức nào vi phạm, Thành phố đều xử lý nghiêm.

Đồng thời, về phía người dân, nhất là nhà đầu tư, phải tôn trọng pháp luật, muốn sống bền lâu, muốn sống khỏe ở TP.HCM thì phải có sản phẩm tốt phục vụ người dân. Nếu không, Thành phố sẽ xử lý nghiêm, bằng biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế, kể cả biện pháp hình sự. Các hình thức như không cung cấp điện - nước, cưỡng chế tài khoản, cấm xuất cảnh... được nhắm vào bất kể ai.

Trong khi các quận, huyện kiến nghị ngưng cấp điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM nêu hàng loạt khó khăn để thực hiện được kiến nghị này. Không chấp nhận tình trạng cứ viện dẫn khó khăn rồi “bó tay” không làm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố sẽ kiến nghị Bộ Công thương sớm bổ sung các điều khoản để ứng xử cho đúng với các trường hợp mang tính phổ biến.

Đồng thời, TP.HCM cũng chủ động với những trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên đất không có giấy tờ rõ ràng, không đúng quy hoạch theo hướng áp dụng biện pháp xử lý hành chính kết hợp với biện pháp cưỡng chế.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh, các trường hợp phải cắt điện gồm: các cá nhân cho câu nhờ điện, tổ chức thuê dịch vụ cung cấp điện để thực hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Những tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi vi phạm như đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu đầu tư đều phải xử lý, tước giấy phép.

“Phải kiên quyết xử lý, bởi đây là hành vi ảnh hưởng đến xã hội, tạo tâm lý lây lan, xem thường pháp luật. Ngành điện nêu khó khăn là đúng, nhưng chỉ đúng một phần, trong khi có nhiều trường hợp tiếp tay cho vi phạm mà chưa được phát hiện”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Miễn nhiệm Phó chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức vì xây dựng không phép

HĐND quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, HĐND quận này vừa miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức đối với ông Lê Hữu Thành vì có hành vi cùng người thân xây dựng 7 công trình không phép.

Cụ thể, ông Thành và những người thân trong gia đình đã có 7 công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp thuộc khu quy hoạch ga Bình Triệu (thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), với tổng diện tích hơn 1.800 m2, gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… Có công trình xây dựng không phép từ năm 2012, nhưng đến tháng 10/2019, các công trình vẫn tồn tại.

Ông Lê Hữu Thành đã nhận hoàn toàn trách nhiệm, xin tự tháo dỡ công trình. Bản thân ông cũng xin thôi giữ chức vụ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận Thủ Đức, ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức.

Tin liên quan
Tin khác