Trung tâm tài chính quốc tế được xác định xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
Chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế
TS. Phạm Phú Quốc, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, mặc dù chỉ chiếm 9,2% dân số và 0,6% diện tích, nhưng Thành phố tạo ra 21,2% GDP, 27% số thu ngân sách, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Hiện nay, Thành phố đầu tư mạnh mẽ cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông như đường vành đai, metro và cảng hàng không quốc tế…, nên các hoạt động giao thương, kết nối sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Theo ông Quốc, với lợi thế vốn có của một trung tâm kinh tế đầu tàu năng động, một lựa chọn nhiều tiềm năng là định hướng đưa TP.HCM trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á, trong đó, trọng tâm là trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Chia sẻ với các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt kiều trong buổi gặp gỡ mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chuyện này đã bàn hơn chục năm mà chưa xong, nên nhiệm kỳ này cần làm quyết liệt hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trung tâm tài chính quốc tế được xác định xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ở quận 2). Với dự án này, Thành phố sẽ đẩy mạnh hợp tác công - tư.
Liên quan vấn đề trên, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, dù từ lâu, lãnh đạo Thành phố đã nhìn thấy trung tâm tài chính là xương sống để phát triển kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi còn vướng về cơ chế, chính sách.
Dẫn câu chuyện một dự án đầu tư 1 tỷ USD mà mất tới 2 năm để làm các thủ tục, ông Hồng cho rằng, như thế là quá lâu và điều đó cho thấy, cơ chế chính sách về đầu tư còn vướng mắc.
“Kiều bào mong muốn đóng góp cho Thành phố, nhưng vẫn còn những vướng mắc, khó khăn. Thành phố có cơ chế chính sách tốt và minh bạch, thì chúng tôi sẽ đầu tư ngay”, ông Hồng cho biết.
Hiến kế cho TP.HCM, bà Nguyễn Thái Thuận, đại diện Quỹ Vinacapital cho rằng, Thành phố cần có trung tâm hỗ trợ các nhà đầu tư về luật pháp, các giấy tờ kinh doanh… để họ có thể dễ dàng, thuận tiện thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Thành phố cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp cận các tập đoàn tài chính lớn, ngân hàng quốc tế.
Được biết, trong tháng này, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư với danh mục hơn 200 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có nhiều dự án liên quan đến đầu tư, xây dựng trung tâm tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đề án khả thi dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020
“Định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là ước muốn xác đáng của người dân và chính quyền Thành phố, bởi thực hiện thành công đề án này sẽ bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi đó, nền kinh tế tri thức đóng vai trò nền tảng, Thành phố phát triển văn minh, hiện đại, năng động và giàu mạnh”, TS. Quốc nói.
Tuy nhiên, theo ông Quốc, vấn đề đặt ra là làm thế nào để TP.HCM có thể phát huy tiềm năng hiện có và cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác, để từ đó vươn lên trở thành một điểm sáng thu hút các tổ chức tài chính, đồng thời tác động tích cực trở lại nền kinh tế Thành phố, cũng như tạo động lực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước nói chung.
Trao đổi về việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, Thành phố có chủ trương về việc này và hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, một trong những rào cản là vấn đề thể chế. Với những vấn đề còn vướng mắc, nếu ngoài thẩm quyền, Thành phố sẽ báo cáo Trung ương để xin cơ chế.
Ông Phong cho biết, mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện xây dựng “Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”. Trong đó, lộ trình thực hiện Kế hoạch đã được xác định là trong năm nay sẽ hoàn thành 2 giai đoạn đầu (gồm Đề cương sơ bộ và Các điều khoản tham chiếu). Cuối năm 2020, sẽ hoàn thành giai đoạn 3 (Đề án khả thi).
Mục tiêu tổng quát của Đề án là định hướng, xây dựng và thực thi các chính sách cho phát triển trung tâm tài chính của TP.HCM trong tương lai, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, tại cơ chế đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với kế hoạch này, Thành phố cũng yêu cầu tập hợp những nghiên cứu hoàn chỉnh về vị thế, thực trạng, triển vọng phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế; tầm nhìn và kế hoạch triển khai trong ngắn, trung và dài hạn; kèm với các định hướng giải pháp, chính sách trọng yếu và chi phí, lợi ích đạt được theo các kịch bản khác nhau.