Đầu tư
Trả giá khi đầu tư “nhầm chỗ”
Quang Hưng - 17/06/2015 09:27
Trong 2 ngày làm việc hôm nay và ngày mai (18/6), Quốc hội sẽ xem xét và bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng (Housing Group).

Việc bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nga là vấn đề mang tính thủ tục, bởi từ nhiều tháng trước đây, Công ty Housing Group do bà Nga đứng đầu đã mất khả năng thanh toán hàng trăm tỷ đồng vốn góp của khách hàng vào nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội.

Câu chuyện đau lòng ở chỗ, trước vụ việc của bà Nga, đã nhiều lời cảnh tỉnh đến nhà đầu tư bất động sản khi hàng loạt vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra trong lĩnh vực này từ các năm 2007 đến 2012 - thời kỳ thị trường phát triển “nóng”. Dù các phương tiện báo chí, truyền thông đã nhiều lần đề cập các rủi ro tại những dự án bất động sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng nhiều nhà đầu tư bất động sản vẫn bất chấp.

 

Trong khoảng thời gian này, đã có hàng trăm ngàn người bỏ tiền vào các dự án bất động sản không đầy đủ thủ tục pháp lý nhằm tìm kiếm “siêu lợi nhuận”.

Theo Luật Kinh doanh Bất động sản, chỉ có những dự án đã thực hiện xong hạ tầng mới được phép mua bán, nhưng có một thực tế đang diễn ra là hầu hết các dự án kinh doanh bất động sản đã được bán ngay khi nó còn nằm trên giấy, chưa được giải phóng mặt bằng; nhà đầu tư biết và chấp nhận bỏ tiền vào các dự án đó. Cụ thể, tại nhiều dự án mà Công ty Housing Group làm chủ đầu tư, tỷ lệ huy động vốn lên đến 50 – 60%, dù dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500).

Nhiều bản hợp đồng góp vốn bất động sản còn quy định rõ: người mua được hưởng quyền lợi từ việc nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư tương ứng với tỷ lệ phần trăm đã đóng. Quyền lợi này được hiểu là khoản lợi nhuận đương nhiên phát sinh do chênh lệch giá bất động sản từ khi giao vốn vào thời điểm “còn non”, chưa đủ điều kiện pháp lý, chứa nhiều rủi ro tới khi bất động sản được mua bán một cách rộng rãi, an toàn và đúng pháp luật”. Kỳ vọng mức lợi nhuận cao đã khiến nhiều nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) bất chấp tất cả để thiết kế và ký vào những hợp đồng ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật.

Trách nhiệm với những đổ vỡ ngày hôm nay thuộc về ai khi mà luật pháp  cấm mua – bán bất động sản trước khi dự án làm xong hạ tầng(?). Chủ đầu tư thì bán nhà bằng các hợp đồng góp vốn hưởng quyền mua bất động sản, còn người mua sẵn sàng kỳ vào các hợp đồng vay vốn, giao vốn, ủỷ thác vốn cho chủ đầu tư. Nhiều khách hàng lý luận rằng, nếu dự án đã rõ ràng cơ sở pháp lý, thì mức lợi nhuận thu được không phải là nhiều so với đồng vốn bỏ ra. Việc kinh doanh theo kiểu mua bán “lúa non” tại giai đoạn đầu của dự án đã được nhiều người thực hiện êm xuôi tại một số dự án và cho mức lợi nhuận cao, nên nó đã trở thành “thông lệ”.

Những người biết về Housing Group đã từng hy vọng, sau khi trở thành đại biểu Quốc hội, bà Châu Thị Thu Nga sẽ có trách nhiệm hơn trong việc huy động vốn đầu tư vào các dự án bất động sản, nhưng hoạt động của doanh nghiệp do đại biểu Quốc hội này điều hành ngày càng đi vào ngõ cụt. Sự việc này khiến nhiều người tiếc nuối, bởi ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, bà Châu Thị Thu Nga được xem như đại diện cho “làn gió mới” nữ doanh nhân tự ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội. Với tư cách nữ doanh nhân, bà Nga đến chốn nghị trường nhưng chính những dự án đầu tư sai trái đã khiến bà vướng vòng lao lý. Tư cách đại biểu Quốc hội không  cứu vãn được hành vi huy động vốn đầu tư trái pháp luật và bài học mà nhà đầu tư cần rút ra sau vụ việc này là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Tin liên quan
Tin khác