Một góc không gian chế biến chè ở lễ hội trà xuân tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) Ảnh: Mỹ An |
1.
Đến hẹn lại lên, ngày 11 tháng Giêng năm nay, lễ hội trà xuân lại diễn ra nhộn nhịp tại không gian văn hóa trà của xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), nơi được mệnh danh đệ nhất danh trà, nơi có những nương chè tiền tỷ, những tỷ phú trà đang nhiều lên. Năm nay, quy mô lễ hội lớn hơn nhiều năm trước bởi có sự tham gia của 6 xã trong vùng chè đặc sản Tân Cương (Tân Cương, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Hà). Sản phẩm của vùng này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương từ nhiều năm nay.
Đầu giờ sáng, ô tô biển số Thái Nguyên, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác đã đỗ kín hàng cây số xung quanh không gian diễn ra lễ hội. Hàng ngàn người cũng đã có mặt ở các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tham quan các nương chè xung quanh. Nhưng đông nhất vẫn là nơi dành riêng cho nội dung thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống, dành cho 6 đội thi tinh nhuệ đến từ 6 xã trong vùng.
Dù được tổ chức với quy mô một xã hay cả vùng, thì đây vẫn là phần hấp dẫn nhất của các lễ hội trà, được tổ chức thường niên khoảng 20 năm nay. Tuy là thi, lại ở không gian lễ hội, nhưng hoạt động ấy lại không quá ồn ào, không có cao trào hay kịch tính. Vậy nhưng, phần thi chưa bắt đầu, thì khán giả đã kín chỗ.
Toàn bộ các khâu, từ thu hái, chuẩn bị chế biến (tãi chè cho ráo, chọn củi, nhóm bếp) rồi rang héo - vò - rang khô - lấy hương, đều được làm thủ công, là cách chế biến chè từ gần trăm năm trước, khi cây chè trung du bén duyên với đất Tân Cương. Được thiên nhiên ưu đãi với sự chở che của dãy Tam Đảo, với nguồn nước sông Công, với thổ nhưỡng như chỉ để dành riêng cho cây chè, với sự khéo léo của người dân bản xứ, Tân Cương từ lâu đã nổi tiếng là đệ nhất danh trà.
Từ năm 1935, sản phẩm chè Cánh Hạc ở cơ sở trồng và chế biến chè của cụ Đội Năm (người được coi là ông tổ nghề chè Tân Cương) đã tham gia đấu xảo ở Hà Nội và đoạt giải Nhất.
Gần đây, “Tri thức trồng và chế biến Chè Tân Cương” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Với hương vị đặc biệt không nơi nào có được, chè Tân Cương đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới”, ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương “khoe” với du khách xa gần.
Trở lại không gian của chảo gang, bếp củi, ngoại trừ cánh phóng viên tất tả quay phim, chụp ảnh, một số bạn trẻ hào hứng check-in, đa số du khách còn lại từ tốn xem các thí sinh (là thợ sao chè lành nghề của các xã cử đi thi) tôi chảo (làm sạch chảo gang), chọn củi, nhóm lửa, chuẩn bị chè nguyên liệu…
Nhẹ nhàng cho thêm cành củi nhỏ vào chiếc bếp vừa được nhóm, người đàn ông tầm tuổi trung niên, ông Nguyễn Ngọc chia sẻ, nếu không bận, thì năm nào ông cũng dành thời gian về lễ hội này, cố gắng mua được mấy ấm trà sao suốt trên chảo gang.
“Mẹ tôi người Nam Định, theo chồng lên Thái Nguyên và sống ở vùng chè này cả nửa đời người. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn phụ mẹ vò chè mỗi khi mẹ sao chè, chỉ để dành cho bố tôi thưởng thức. Nay cả gia đình đã chuyển về Hà Nội sinh sống, bố mẹ tôi đều đã 90, nhà có đủ loại trà từ ta đến tây, nhưng các cụ vẫn thường nhắc về chè móc câu Thái Nguyên được sao suốt trên chảo gang, từ những ngày xa xưa ấy”, ông Ngọc giải thích lý do cố gắng mua bằng được sản phẩm đặc trưng từ lễ hội.
Hai chữ “cố gắng” ở đây không hề là nói quá. Bởi trong thời gian được ấn định, mỗi đội thi chỉ chế biến lượng chè vừa đủ để chấm thi theo quy định, còn dư chút đỉnh mới bán cho du khách. Vì thế, dù có trả giá cao đến đâu cũng khó có thể mua được sản phẩm này với số lượng mong muốn.
2.
Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Hương, bà Đỗ Thị Hiệp (người đã ở tuổi xưa nay hiếm) chia sẻ, nhiều người cũng thắc mắc rằng, chè sao suốt trên chảo gang chắc phải có gì đặc biệt lắm nên mới thu hút nhiều du khách đến thế?
Chắc chắn là đặc biệt rồi, thường vẫn nghe câu nói “bao giờ cho đến ngày xưa”, cái “ngày xưa” của chè Tân Cương vẫn luôn ở trong ký ức của nhiều người. Bởi vì, chè sao thủ công được vò bằng tay, nên kết cấu bề mặt lá ít bị phá vỡ, tinh chất giữ lại được nhiều hơn sao bằng máy. Sao tay, chè khô từ từ hơn, nên hương chè giữ lại trong búp chè thành phẩm rất bền, vì thế, khi pha đến nước thứ ba vẫn cảm nhận rõ rệt hương thơm của trà. “Bây giờ, công nghệ sao chè hiện đại hơn rất nhiều rồi, nhưng vẫn phải dựa trên nét truyền thống quý báu này”, bà Hiệp lý giải.
Rời không gian lễ hội, tôi lang thang vào Tân Thái, một trong những xóm khá xa trung tâm xã. Thật bất ngờ khi thấy trong ngôi nhà ven đường, một người phụ nữ cũng đang múa tay lấy hương chè trên chiếc chảo gang truyền thống.
“Bình thường, chỉ việc cho chè nguyên liệu vào máy sẽ có trà thành phẩm đều tăm tắp, nhưng ở lễ hội năm ngoái, có mấy anh chị tận Thủ đô về, uống thử trà của xóm tôi ở đó, mê quá, nên năm nay đặt số lượng nhiều hơn. Vì thế, phải chế biến ở nhà mới đáp ứng được”, chị Lê Thị Liên trò chuyện.
Chị kể, từ bé đã hái chè thành thạo và bắt đầu sao chè bằng chảo gang từ 14 - 15 tuổi. “Hồi đó, nhà nào cũng làm chè thủ công, nên đều có từ 1 đến vài cái chảo gang, vất vả lắm. Chọn củi phải thật khô để tránh khói ám vào chè, không chọn những loại củi có mùi quá mạnh, rồi toàn bộ quá trình sao, đánh hương đều chỉ dùng bàn tay để cảm nhận độ vừa của lửa, độ săn của chè, không có bất cứ công thức nào”, chị Liên đúc kết.
Theo chia sẻ của người phụ nữ mới qua tuổi ngũ tuần, từ những năm 1998-1999, những chiếc chảo gang dần được thay thế bằng tôn phẳng (diện tích lớn hơn), rồi tôn quay, nhưng chất đốt vẫn là củi. Sau đó thì máy vò, máy sao đều bằng điện cả, sức người được giải phóng.
“Trong 1 tiếng, 1 thợ lành nghề chỉ sao được nửa kg chè nếu bằng chảo gang, bếp củi, còn với máy móc, thì năng suất gấp ít nhất 5 lần”, chị Liên so sánh.
“Vất vả thế thì biết bán giá nào cho phải hả chị?”, tôi hỏi.
Chưa vội trả lời ngay, chị Liên rót chén trà sao suốt mời khách. Hương thơm lan tỏa khi trà được rót ra từ chiếc ấm mộc, nước trà trong vắt, màu xanh ngả vàng, chát mà không gắt, hậu vị đậm đà, ngọt nhẹ, dễ thấy và lưu lại rất lâu.
“Câu chuyện ‘ngày xưa’ về chè Tân Cương sao chảo gang bếp củi, đong bằng ống bơ sữa bò của người đặt hàng khiến tôi yêu hơn công việc của mình. Vẫn biết không nhờ máy móc hiện đại hơn thì không có mức sống khá giả như ngày nay, nhưng đôi khi vẫn ước: bao giờ cho đến ngày xưa”, chị Liên trải lòng.
Muốn hỏi thêm chị nhiều điều, song tôi lặng im tận hưởng dư vị chén trà Tân Cương handmade, giữa vùng chè nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam.