Sau 30 năm phát triển, Trà Vinh đã có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh |
Trà Vinh là tỉnh duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm giữa sông Tiền và sông Hậu; giáp với các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Vĩnh Long và hướng ra Biển Đông, có 2 cửa sông Định An và Cung Hầu, cách TP.HCM khoảng 130 km và TP. Cần Thơ hơn 80 km.
Tiềm năng Trà Vinh là điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất đai phù sa, màu mỡ. Hệ thống sông ngòi, kênh, rạch rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; giao thông đường thủy được kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh và khu vực.
Những thành tựu to lớn
Thành tựu rõ nét nhất của Trà Vinh trong 30 năm qua là sự phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, từ một tỉnh nghèo của Vùng ĐBSCL, với kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp nhỏ, thương mại và dịch vụ kém phát triển; điểm xuất phát về kinh tế - xã hội rất thấp và lạc hậu; kết cấu hạ tầng cả thành thị và nông thôn rất yếu kém; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp, đến nay có những bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, từng bước nâng thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2021 đạt 63,15 triệu đồng/người, tăng 60% so với 5 năm trước và tăng 86 lần so năm 1992 (năm 1992 thu nhập bình quân 730.000 đồng/người/năm), đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt qua từng nhiệm kỳ.
Sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh trật tự xã hội của tỉnh. Năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông - thủy sản ngày càng được nâng cao. Giá trị sản phẩm thu được trên diện tích đất trồng trọt từ 4,5 triệu đồng/ha năm 1992 tăng lên 140 triệu đồng/ha năm 2021 và trên diện tích đất mặt nước nuôi trồng thủy sản từ 27 triệu đồng/ha năm 1992 tăng lên 325 triệu đồng/ha năm 2021. Xây dựng được các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất; cơ giới hóa được đưa nhanh vào các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ, Trà Vinh đang phấn đấu đạt chuẩn Tỉnh nông thôn mới vào trước năm 2025.
Sản xuất công nghiệp đến nay đã phát triển vượt bậc trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, chiếm trên 40% tổng sản phẩm GRDP. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1992 chỉ đạt 270 tỷ đồng, đến cuối năm 2020 tổng giá trị sản xuất đạt trên 37.600 đồng tỷ đồng tăng gần 190 lần so với năm 1992 và tăng 6,5 lần so với 5 năm trước. Năm 2021, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 32.015 tỷ đồng, thu hút đầu tư vào khu kinh tế, KCN, các dự án năng lượng triển khai đẩy nhanh tiến độ.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn được chú trọng xây dựng, có 5 sản phẩm, bộ sản phẩm của tỉnh đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 và 80 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (có 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 9 sản phẩm 4 sao).
Tỉnh có 1 khu kinh tế; 3 khu công nghiệp (KCN Long Đức đã lấp đầy; KCN Cổ Chiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; KCN Cầu Quan đang được hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), 4 cụm công nghiệp (đã quy hoạch 14 cụm công nghiệp); phát triển 13 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, Trà Vinh có 385 dự án đầu tư, trong đó: 42 dự án FDI, vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và 343 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 122.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần 57.000 lao động
Dịch vụ du lịch có bước phát triển đáng kể và đang phấn đấu là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến nay, cảnh quan du lịch được cải tạo, chất lượng phục vụ các cơ sở lưu trú ngày càng nâng cao và đáp ứng nhu cầu du khách, hình thành và phát triển các điểm, loại hình du lịch mới như: Khu du lịch cộng đồng Cồn Chim, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn, khu du lịch văn hóa Ao Bà Om, Làng văn hóa - du lịch Khmer, Khu di tích Đền thờ Bác Hồ, Khu du lịch biển Ba Động, Thiền Viện Trúc Lâm,… thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến tham quan du lịch
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến năm 2021, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 31.000 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh và ngày càng được hoàn thiện, các công trình đã đầu tư phát huy tác dụng tốt, tạo thêm năng lực sản xuất mới và tăng đáng kể kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh, từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 2 tuyến Quốc lộ 53 và 60 với chiều dài 37 km; có 4 tỉnh lộ với tổng chiều dài 126 km, trong đó chỉ có 21 km đường nhựa, còn lại là đường đá cấp phối, đất, tất cả các tuyến hương lộ đều là đường đất.
Đến nay, toàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên 271 km, 5 tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 225 km, 42 hương lộ với tổng chiều dài trên 481 km, 100% các tuyến tỉnh lộ, hương lộ đều đã được nhựa hóa; các tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa trên 97%, tạo lưu thông dễ dàng từ tỉnh đến xã. Nhiều công trình mới đầu tư kết nối liên vùng như: cầu Cổ Chiên, luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, cầu Long Toàn, cầu Láng Chim, cầu Long Bình 2, cầu Long Bình 3, Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 60, đường tránh Quốc lộ 60, đường tỉnh 915, 915B, đường vào Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đường vành đai TP. Trà Vinh, hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 2 huyện Càng Long, Châu Thành và TP.Trà Vinh, phát triển TP. Trà Vinh là đô thị loại II…
Cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng
Với phương châm “Doanh nghiệp là trung tâm cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế” của tỉnh nhất là trong giai đoạn hiện nay, Trà Vinh tiếp tục thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. Đến nay, hầu hết các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã triển khai xây dựng kế hoạch và triển khai các mô hình cụ thể, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị đạt được mức độ hài lòng khá cao từ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh vừa thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng chỉ số năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp tăng điểm chỉ số thành phần nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Đặc biệt để cải thiện môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, hấp dẫn, Trà Vinh hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp phép và sau cấp phép đầu tư; nâng hiệu quả hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, duy trì các buổi tiếp xúc theo mô hình cà phê doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư. Tỉnh thành lập Tổ Tư vấn hỗ trợ nhà đầu tư, tập trung vào các vấn đề như cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế, công nghiệp và các dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ đầu tư. Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư chung, tỉnh còn có chính sách ưu tiên, ưu đãi về hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động...
Phấn đấu là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, tăng trưởng khá thuộc nhóm đầu vùng ĐBSCL.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 - 2025, Trà Vinh quyết tâm thực hiện có hiệu quả sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược đã đề ra, trong đó, Trà Vinh tập trung cơ cấu chuyển đổi lại nền kinh tế thích ứng an toàn, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trong tình hình mới chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, liên kết vùng phát triển kinh tế biển: khai thác và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu chất lượng, tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ven biển (năng lượng tái tạo) và phát triển du lịch biển, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ bộ, ngành Trung ương, từ các doanh nghiệp và ngân sách tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Định An, kiến nghị Trung ương sớm thi công cầu Đại Ngãi, đầu tư các tuyến đường hành lang ven biển; hoàn thiện Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu và nạo vét sông Cổ Chiên;
Thực hiện Chương trình 21-CTr/TV ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh kiến nghị Trung ương xác định đầu tư cảng biển Trà Vinh, với trọng tâm là cảng nước sâu, trở thành cửa ngõ biển để kết nối với các các tỉnh của khu vực ĐBSCL, cả nước và thế giới.
Tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai trước năm 2030 đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, kết nối với Dự án cầu Đại Ngãi, phát triển tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong đó, ưu tiên hạ tầng kết nối với 4 xã đảo huyện Duyên Hải; kiến nghị mở rộng và sớm triển khai tuyến cao tốc từ cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng), Đồng Tháp đến Khu kinh tế Định An, Trà Vinh; tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch, khôi phục sân bay Long Toàn cho mục đích lưỡng dụng (dân sự và quốc phòng), đầu tư cảng nước sâu, nhằm hướng đến các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không, tạo động lực phát triển các thành phần kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh...
Phấn đấu đến năm 2025 đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm năng lượng của Vùng ĐBSCL, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng (tương đương 4.300 USD - tỷ giá 23.200 đồng/USD), với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 160.000 tỷ đồng. Phấn đấu là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, là tỉnh phát triển khá đứng trong nhóm đầu của khu vực ĐBSCL trước năm 2030, Trà Vinh tập trung vào 3 đột phá chính: Phát triển hạ tầng về: giao thông, khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin, đô thị. Cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm thông thoáng, minh bạch và đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Phát huy thành tựu vượt bật về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh trong 30 năm qua cùng với sức mạnh đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh sẽ viết tiếp những kỳ tich mới, phấn đấu là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu khu vực ĐBSCL trước năm 2030.