Chuyển đổi số - Kinh tế số
Trà Vinh thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số
Huy Tự - 14/08/2023 16:30
Tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình trồng dừa sáp nuôi cấy phôi cho hiệu quả kinh tế cao tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh)

Điểm sáng về phát triển nhân lực số

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Trà Vinh xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 1 bậc so năm 2021), hạng 5/13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 1 bậc so với năm 2021) và là một trong 10 địa phương dẫn đầu về phát triển nhân lực số.

Hiện tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện trên địa bàn đều bố trí cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Về đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tỉnh tổ chức Hội nghị chuyển đổi số ngành giáo dục với hơn 500 đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục từ tỉnh đến cơ sở tham dự; Hội nghị tập huấn “Chuyển đổi số cộng đồng cho cán bộ đoàn - hội” tại huyện Châu Thành cho 145 cán bộ đoàn - hội; tập huấn Chuyên đề “Chuyển đổi số hiện nay”…

Sở Thông và Truyền thông tỉnh Trà Vinh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Trà Vinh đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hỗ trợ các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, xác thực thông tin công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đảm bảo hạ tầng mạng hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân. Có gần 25.000 lượt truy cập dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính…

Nhiều mô hình chuyển đổi số phát huy hiệu quả

Tại Trà Cú, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” trên địa bàn huyện năm 2023 với mô hình “Ngày thứ Năm chuyển đổi số”.

Còn tại Thị xã Duyên Hải, nhiều mô hình được thực hiện như “Hỗ trợ tổ chức, công dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và thứ Sáu, ngày không hẹn”, “Hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Ngày phát sinh hồ sơ trực tuyến và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong ngày”.

Theo Kế hoạch 88/KH-UBND, Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước được cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số; 100% cán bộ phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin được bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số.

Phấn đấu 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng. Phấn đấu đến năm 2030, có 90% người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu... 

Nhiều mô hình mới phát huy tinh thần và sức trẻ năng động, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công việc, đời sống...

Liên quan 2 dịch vụ công liên thông và Kho quản lý dữ liệu tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Trà Vinh tổ chức hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số, công tác cải cách hành chính, triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với 2 tập đoàn viễn thông đang triển khai có hiệu quả.

Hiện tại, Hệ thống Cổng thông tin điện tử có một cổng chính (https://travinh.gov.vn) với 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Khmer, cùng 115 cổng thông tin thành phần để kịp thời đăng tải thông tin kinh tế - xã hội, hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (https://dichvucong.travinh.gov.vn/) cung cấp 1.858 dịch vụ công.

Cổng thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh,hợp tác xã của tỉnh (https://doanhnghiep.travinh.gov.vn/) cung cấp 3.693 thông tin doanh nghiệp, 22.313 hộ kinh doanh, 91 hợp tác xã.

Trang thông tin khởi nghiệp tỉnh (http://khoinghiep.travinh.gov.vn/); trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục, pháp luật (https://pbgdpl. travinh.gov.vn/),; trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục, pháp luật (https://pbgdpl.travinh.gov.vn/) và trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục, pháp luật (https://pbgdpl.travinh.gov.vn/) phục vụ đắc lực người dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trên một số lĩnh vực kinh tế của Trà Vinh đạt nhiều kết quả lạc quan đáng ghi nhận.

Về vận hệ hành thống sàn giao dịch thương mại điện tử, tỉnh hướng dẫn cho 26 đơn vị tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các sàn Tiki.vn, Voso.vn, Sendo.vn... Kết quả, có 146 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia sàn với trên 464 loại sản phẩm, trong đó có 126 sản phẩm OCOP, trên 100 loại sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm an toàn, VietGap, ISO... Tỉnh thực hiện liên kết sàn thương mại điện tử với 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 49 doanh nghiệp, với 663 loại sản phẩm tham gia cập nhật lên sàn.

Tổ chức kết nối thị trường với các sàn thương mại điện tử tại TP.HCM (các sàn Accesstrade, Tiki, Lazada, Droppii), đối tượng tham gia là đại diện các cán bộ khối công/tư tham gia, có 16 doanh nghiệp tham gia kết nối. Triển khai cho doanh nghiệp cập nhật hoạt động hóa chất thông qua cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia và triển khai hệ thống thông tin an toàn thực phẩm.

Hoàn chỉnh Kế hoạch xây dựng ứng dụng di động

(Mobile App) sàn thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh, phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề cương và dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện công tác đấu thầu theo quy định.

Về năng lượng, Trà Vinh triển khai chuyển 6/6 trạm biến áp 110 kV đang điều khiển xa sang trạm biến áp không người trực vận hành. Theo đó, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động; mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ trung tâm điều khiển xa, nên hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý, vận hành và xử lý sự cố lưới điện.

Trong nông nghiệp, tỉnh triển khai hệ thống giám sát côn trùng thông minh nhằm theo dõi tình hình côn trùng trên cây lúa tại UBND các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang trong giai đoạn 2020 - 2024. Thí điểm 2 trạm cảnh báo dông, sét tự động đặt tại xã Long Sơn, huyện cầu Ngang và xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (bán kính  300 - 500 m).

Xây dựng ứng dụng thông tin quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh (thực hiện thí điểm năm 2021-2022) và hỗ trợ giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com. Áp dụng các hệ thống, ứng dụng chuyên ngành, như hệ thống báo cáo thống kê trực tuyến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đầu tư Hệ thống giám sát côn trùng thông minh phục vụ công tác bảo vệ thực vật và Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật...

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chuyển đổi số của Trà Vinh

Theo Ban Chỉ đạo về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số về các vấn đề như nâng cao nhận thức tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong cộng đồng xã hội, tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến so với tổng số hồ sơ tiếp nhận thấp (hiện đạt khoảng 31,3%)…, tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số; triển khai các hoạt động Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các kiến trúc, quy chế, quy định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi số.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước; tập huấn nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp.

Tập trung khai thác, sử dụng đồng bộ, có hiệu quả các hệ thống thông tin đã được đầu tư, nhất là thực hiện chỉ đạo điều hành, công tác văn thư; số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện chế độ báo cáo; họp trực tuyến, họp không giấy tờ. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số các ngành lĩnh vực, phấn đấu chuyển toàn bộ hoạt động liên quan của cơ quan, đơn vị lên môi trường số.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu vào Kho dữ liệu của tỉnh theo quy định; tổ chức khai thác tối đa cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; số hóa và lưu trữ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân tại Cổng dịch vụ công trong quá trình đăng ký thực hiện thủ tục hành chính.

Triển khai các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp số, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số; phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khai thác các nền tảng số trong chuyển đổi số.

Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trong đó, xác định mục tiêu là các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy hiệu quả chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt vai trò chính quyền phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác