| ||
Xe biển ngoại giao bị giữ tại tỉnh Phú Thọ |
Chiếc xe Porsche Cayenne của một nhân viên ngoại giao hết thời gian công tác tại Việt Nam bán cho một đối tác Việt Nam đã được cấp giấy phép chuyển nhượng vào tháng 9/2011.
Dù cơ quan chức năng đôn đốc nhiều lần, song đến nay, các bên liên quan vẫn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, chuyển biển.
Mới đây, phía người mua xin trả lại xe, với lý do không có tiền nộp thuế và Đại sứ quán nước đó đã đứng ra nhận thay với đề nghị cho hủy giao dịch.
Tuy nhiên, đề nghị hủy giao dịch đang làm cơ quan hữu trách lúng túng, bởi việc này không có trong quy định của Thông tư 03/2007/TTLT-BCT-BTC-BNG. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc lợi dụng quy định tính thuế để trục lợi.
“Không loại trừ việc lợi dụng quy định tính thuế theo trị giá còn lại ở thời điểm chuyển nhượng để né chuyện nộp thuế vào ngân sách. Theo cách này, nếu cho phép cơ quan ngoại giao nhận lại xe, thì khi bán lần tiếp sẽ tính trị giá xe tại thời điểm của lần chuyển giao mới. Như vậy, xe có thời gian sử dụng tại Việt Nam càng lâu, thì trị giá tính thuế, lệ phí… khi mua bán càng giảm. Sử dụng trên 10 năm, thì trị giá tính thuế còn 0%. Như vậy, nếu cho nhận lại, thì có thể rất nhanh sau đó, chiếc xe lại được bán cho người xin trả lại trước đó để được hưởng trị giá tính thuế thấp, thậm chí bằng 0”, một chuyên gia phân tích.
Trong số 513 xe dạng này, số xe có thời gian lưu hành từ năm 2006 trở về trước chỉ chiếm khoảng 10%. Nghĩa là, nhiều xe đã chuyển nhượng có trị giá để tính thuế lớn. Với mức thuế nhập khẩu khoảng 80%, thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 60% cho các dòng xe có động cơ lớn, rồi thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ để mang tên chính chủ, số tiền phải bỏ ra để chuyển quyền sở hữu xe biển ngoại giao là không nhỏ.
Đơn cử, với xe Rolls Royce, đại diện bán loại xe này tại Việt Nam cho hay, trong 97 chiếc Rolls Royce đang có mặt ở Việt Nam, có 30 chiếc được sử dụng biển ngoại giao. Với giá cơ sở khoảng 250.000 USD cho xe mới, nếu sử dụng vài năm rồi sang tên, thì chi phí tiền thuế phải bỏ ra không hề ít, nhất là khi thời hạn làm việc của nhân viên ngoại giao ở nước ngoài thường chỉ là 3 năm/nhiệm kỳ.
Theo quy định, sau thời điểm 10/6/2013, các loại xe biển ngoại giao hết hạn lưu hành tại Việt Nam sẽ bị xử lý mạnh tay. Nhìn vào thực tế hơn 20 chiếc xe biển ngoại giao đã bị Công an tỉnh Phú Thọ tịch thu và mang ra bán đấu giá đầu năm nay, các đại gia đang đi xe biển ngoại giao không khỏi e ngại.
Để mạnh tay xử lý, Bộ Công an đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam không kiểm định đối với 513 xe biển ngoại giao, biển quốc tế thuộc diện có giấy chứng nhận đăng ký hết hạn sử dụng tại Việt Nam tính đến ngày 31/10/2012; yêu cầu Cục Lễ tân (của Bộ) có chứng thực trong hợp đồng thuê tài xế các xe biển ngoại giao, biển quốc tế để tránh tình trạng ủy quyền tràn lan khi bán xe loại này.
Đặc biệt, Bộ Công an cũng “bật đèn xanh” cho phép lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ các xe này mà không lo đụng phải quyền miễn trừ ngoại giao, vốn được không ít đối tượng người Việt Nam đang sử dụng xe biển ngoại giao trái phép lấy làm bình phong, gây khó dễ khi bị dừng xe.
Không chỉ lúng túng trước đề nghị cho hủy giao dịch của cơ quan ngoại giao nọ, cơ quan hải quan còn chưa biết xử lý ra sao với đề nghị cho tiêu hủy hoặc trao tặng, tháo phụ tùng xe để tránh lãng phí do không có điều kiện tái xuất xe mang biển ngoại giao tạm nhập khi nhân viên ngoại giao hết hạn về nước. Những thực tế trên đòi hỏi cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết.
Hoàng Nam