Tài chính - Chứng khoán
Trái phiếu chính phủ: kênh đầu tư hấp dẫn
Bảo Ngọc - 16/10/2014 06:49
Thị trường trái phiếu là nơi huy động vốn hiệu quả của Chính phủ để đầu tư và bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chính thức có chỉ số riêng cho trái phiếu
Huy động trái phiếu có xu hướng giảm
Lãi suất trái phiếu đồng loạt giảm

Trong quý III, đã có 55.015 tỷ đồng (tương đương 2,58 USD) trái phiếu và tín phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được phát hành, nâng tổng khối lượng trái phiếu và tín phiếu phát hành trong 9 tháng đầu năm đạt 212.060 tỷ đồng (tương đương 9,9 tỷ USD), tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

   
  Thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư  

Trong tổng khối lượng phát hành 9 tháng đầu năm có 26.502 tỷ đồng tín phiếu (tương đương 1,25 tỷ USD), giảm 908 tỷ đồng, tương đương giảm 3,4% và 185.558 tỷ đồng trái phiếu (tương đương 8,7 tỷ USD), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2013. Tốc độ tăng trưởng của trái phiếu chính phủ tuy có cải thiện hơn so với mức tăng 20% của 9 tháng đầu năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng tới 60% của 9 tháng đầu năm 2012.

Nếu quý II khối lượng trái phiếu được phát hành sụt giảm 40% so với quý I, thì quý III trái phiếu chính phủ tăng 12% về khối lượng huy động được so với quý II. Trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) vẫn đóng vai trò chính khi hoàn toàn áp đảo về giá trị phát hành so với trái phiếu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Cụ thể, trái phiếu KBNN đóng góp 171.169 tỷ đồng (tương đương 8,05 tỷ USD), chiếm gần 92,25% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp, trong khi trái phiếu NHPTVN và trái phiếu NHCSXH chỉ chiếm tương ứng 5,38% và 2,37%. Cơ cấu này thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2013, với các chỉ số tương ứng là 77%, 18% và 4%.

Tổng khối lượng trái phiếu KBNN phát hành trong kỳ tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng trái phiếu phát hành do NHPTVN và NHCSXH giảm lần lượt 62% và 30% so với cùng kỳ.

KBNN huy động 26.502 tỷ đồng tín phiếu (tương đương 1,25 tỷ USD), giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trúng thầu đạt 88%, tăng 12% so tỷ lệ của 3 quý năm 2013. Lợi suất tín phiếu giảm xuống những ngưỡng thấp nhất và tín phiếu kỳ hạn dài 364 ngày và 52 tuần hoàn toàn chiếm ưu thế phát hành trong năm nay.

Ngày 29/8, KBNN công bố điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu cả năm. Theo đó, tổng lượng trái phiếu, tín phiếu năm nay sẽ tăng 10% so với kế hoạch cũ lên 232.000 tỷ đồng (tương đương 10,9 tỷ USD) và tỷ trọng các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn giảm. Với xu hướng giảm dần của lợi suất, KBNN dịch chuyển dần sang phát hành các lợi suất dài hạn để tận dụng mức lợi suất thấp này.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, các kỳ hạn dưới 1 năm, 2 năm và 15 năm đã phát hành hết theo khối lượng dự kiến. KBNN đã hoàn thành 85% kế hoạch trong năm nay. Nhờ vậy, áp lực phát hành trong quý IV sẽ được giảm bớt.

Lợi suất trúng thầu giảm liên tục từ tháng 9/2012 và tại thời điểm cuối tháng 9/2014, lợi suất của tất cả các kỳ hạn đều ở ngưỡng thấp nhất. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 2, 3, 5, 10 và 15 năm lần lượt đứng ở mức 5,08%/năm, 5,45%/năm, 5,79%/năm, 7,15%/năm và 7,74%/năm. So với cuối năm 2013, lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đã giảm tới 177 - 320 điểm cơ bản và đặc biệt giảm mạnh hơn ở các kỳ hạn dài. Có thể thấy, nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ nói chung hay trái phiếu KBNN nói riêng đã tăng lên đáng kể trong quý III, tạo áp lực giảm lợi suất.

Thị trường trái phiếu chính phủ 9 tháng đầu năm 2014 trở thành kênh đầu tư hấp dẫn như vậy là do lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tính thanh khoản cao luôn được duy trì cao trong hệ thống ngân hàng khi tín dụng tăng không đáng kể. Thêm vào đó, Moody’s nâng hạng mức tín nhiệm của Việt Nam lên B1 trong tháng 7 và thông tin Fitch cân nhắc tăng hạn mức tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới cũng góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại trên thị trường trái phiếu.

Với những điều kiện kinh tế ổn định từ nay tới cuối năm, thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư và lợi suất của các kỳ hạn sẽ tiếp tục xu hướng giảm điểm.

Tin liên quan
Tin khác