Chuyển động thị trường
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Rủi ro hiện hữu, vẫn cháy hàng nhờ lãi suất cao
Hà Tâm - 07/09/2021 08:46
Doanh nghiệp bất động sản đang rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Song, Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng chi trả, đẩy TPDN trở thành kênh đầu tư vô cùng rủi ro.

Tuy nhiên, nhờ lãi suất cao gấp 2-3 lần lãi suất ngân hàng, TPDN bất động sản vẫn rất hút khách. 

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Lãi suất tới 13-14%/năm

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường TPDN. Yêu cầu của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh việc phát hành TPDN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Bất chấp việc siết chặt các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, hoạt động phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp vẫn diễn ra nhộn nhịp. Đặc biệt, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn là tâm điểm của thị trường với lãi suất cao ngất ngưởng.

Chỉ tính riêng tháng 8/2021 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn đã thông báo huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Lãi suất mà các doanh nghiệp này trả cho nhà đầu tư cao gấp đôi, gấp ba lãi suất ngân hàng.

Cụ thể, mới đây, Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh công bố đã thu về 3.130 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu tiên lên tới 13,65%/năm. Tương tự, Công ty cổ phần Phú Hoàng Vương cũng huy động thành công 4.670 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu là 13,65%.

Hàng loạt công ty bất động sản khác như Tiến Phước, Sunrise Việt Nam… cũng vừa huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua phát hành TPDN, lãi suất 10-11%/năm nhằm thực hiện các dự án bất động sản, M&A công ty, góp vốn với đối tác triển khai dự án…  

Việc các doanh nghiệp bất động sản vẫn rầm rộ huy động lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu, trong khi thực hiện dự án, triển khai bán hàng… diễn ra rất chậm do ảnh hưởng của Covid-19 khiến nhiều người lo ngại về khả năng thanh toán của doanh nghiệp khi trái phiếu đến ngày đáo hạn.

Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp phát hành lãi suất cao đều có nguy cơ vỡ nợ, song trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh gia tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng.

“Trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ chứ không hẳn là công cụ đầu tư. Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn hiện nay, nhà đầu tư không nên đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu, mà phải coi trọng việc bảo toàn vốn. Nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu đang dần hiện hữu, đặc biệt là trái phiếu bất động sản", ông Hiếu khuyến cáo.

Siết lại đường đi của trái phiếu doanh nghiệp

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận định, trái phiếu lãi suất 12-13% thường là của những doanh nghiệp ít tên tuổi, có độ rủi ro cao. Vì vậy, khi đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cao thì cần xem xét cẩn thận về doanh nghiệp, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, đảm bảo đánh giá được mức độ rủi ro của doanh nghiệp đó.

Trên thực tế, nguy cơ ôm “bom nợ” TPDN nằm chủ yếu trong tay nhà đầu tư cá nhân, bởi nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm…) thường có bộ phận phân tích rủi ro, nhận định rõ khả năng rủi ro của trái phiếu trước khi “xuống tiền”.

Mặc dù theo quy định hiện hành, nhà đầu tư không còn được tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn nhận được các lời chào mời mua lại trái phiếu riêng lẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) thừa nhận, thị trường trái phiếu thời gian tới có thể sẽ rủi ro hơn vì doanh nghiệp đang trở nên khó khăn hơn, “cục nợ” vì vậy sẽ chờ nhà đầu tư ở phía trước. Trong công văn mới đây, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Vụ Tài chính ngân hàng tăng cường giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng.

Tìm được TPDN phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân rất khó. Để đưa ra quyết định, nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Nhà đầu tư nên chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài. Về phương thức phát hành, nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, có xếp hạng tín nhiệm.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam
Tin liên quan
Tin khác