Tài chính - Chứng khoán
Trái phiếu doanh nghiệp cần được kiến tạo đi đôi với chấn chỉnh
Vân Linh thực hiện - 16/06/2022 08:19
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cần xem xét, rà soát, kiến tạo phát triển, đồng thời với việc chấn chỉnh thị trường để ngày càng phát triển bền vững hơn, chứ không xem nhẹ vế nào.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng

Nhận định của ông về tác động của tình hình kinh tế thế giới hiện nay tới thị trường tài chính Việt Nam?

Theo tôi, mức độ rủi ro tổng thể thị trường tài chính toàn cầu đang tăng lên, trong đó có rủi ro vỡ nợ. Các rủi ro lớn hiện nay là ngân hàng thương mại châu Âu đang chịu rủi ro vỡ nợ từ Nga, Ukraine (Nga nợ các ngân hàng trung ương châu Âu khoảng 135 tỷ USD); các ngân hàng trung ương trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; xu hướng tăng lãi suất là chủ đạo sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá, lạm phát, dòng vốn, nghĩa vụ trả nợ…

Theo đó, rủi ro vỡ nợ tăng khi lãi suất tăng. Thực tế, khi Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4/2022, khoảng 70 quốc gia trong tình trạng nguy hiểm nợ. Tỷ lệ vỡ nợ TPDN tại Trung Quốc ở mức kỷ lục 23,3 tỷ USD năm 2021 và dự báo tăng 10-30% trong năm 2022.

Các vấn đề nói trên cũng đặt ra nhiều rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam. Trên thị trường tài chính, áp lực gia tăng nợ và nghĩa vụ trả nợ, nhất là TPDN, đang hiện hữu. Thị trường chứng khoán có hiện tượng 4D (điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy, đám đông); tính minh bạch chưa cao, chất lượng doanh nghiệp/nhà đầu tư còn thấp, một số vi phạm trên thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến niềm tin thị trường, tăng rủi ro hệ thống… Trong khi đó, khu vực ngân hàng luôn chịu áp lực tăng vốn; đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao hơn; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tăng.

Ngân hàng đang cạn room tín dụng, trong khi thị trường TPDN bị thắt chặt. Điều này có quá khó cho doanh nghiệp trong huy động vốn, thưa ông?

Việt Nam thắt chặt tín dụng quá mức sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát, trong khi có thể kéo nền kinh tế đi vào suy thoái lâu dài và rất tốn kém để thoát ra.

Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận thị trường TPDN trong nhiều năm qua. Đây là một kênh huy động vốn, dẫn vốn trung, dài hạn rất quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc vị phạm quy định của thị trường chứng khoán, TPDN, mà theo tôi, việc này đã có mầm mống từ trước.

Theo ông, để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển một cách bền vững, cần những yếu tố nào để có thể loại bỏ được hiện tượng đầu cơ?

Quốc hội và Chính phủ đã nhận thấy cả rủi ro lẫn cơ hội khi đẩy mạnh phát triển thị trường TPDN, nên đã yêu cầu rà soát, đánh giá cơ chế cũng như đưa ra giải pháp.

Về giải pháp, theo tôi, nên theo hướng triển khai, kiến tạo phát triển, song song với việc chấn chỉnh lại thị trường để ngày càng phát triển bền vững hơn, chứ không xem nhẹ vế nào. Bởi nếu kiểm soát quá chặt thì sẽ làm nghẽn việc huy động vốn trung, dài hạn. Nhưng ngược lại, nếu không kiểm soát chặt, có thể sẽ làm mất niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư.

Chúng ta cũng cần phải có các quy định trong phát hành TPDN, như xếp hạng tín nhiệm, uy tín, đơn vị bảo lãnh phát hành..., đồng thời nâng cao ý thức của nhà đầu tư trong việc đầu tư vào TPDN.

Đối với thị trường trái phiếu, không chỉ cung - cầu mới quan trọng, mà đòi hỏi cả trung gian để gắn kết cung - cầu. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại Nghị định 53 theo hướng sửa đổi, rà soát lại các quy định chặt chẽ hơn đối với trung gian tài chính. Trong đó, có các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, kể cả tổ chức tư vấn, bảo lãnh, quản lý, tư vấn phân phối trái phiếu... đều phải có quy định vai trò, trách nhiệm rõ ràng hơn.

Tôi nghĩ rằng, đây là một hướng đi đúng đắng. Nhưng quan trọng hơn, sau khi ban hành nghị định sửa đổi, thì điều quan trọng là triển khai thực hiện như thế nào nhằm đảm bảo các chủ thể tham gia thị trường làm tốt vai trò của mình. Câu chuyện về cung - cầu cũng như trung gian cũng phải được đảm bảo.

Làm thế nào để nhà đầu tư cá nhân hạn chế rủi ro khi mua TPDN, thưa ông?

Điều này đòi hỏi thay đổi từ 3 phía. Theo đó, hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có pháp lý bảo vệ nhà đầu tư; các chủ thể phát hành phải thay đổi (công khai, minh bạch) và cam kết tốt hơn; bản thân các nhà đầu tư cũng phải thay đổi.

Tôi dùng mô hình 4D để nói về thị trường chứng khoán - tài chính Việt Nam thời gian qua.

Thứ nhất, thị trường cổ phiếu đã và đang điều chỉnh sau những năm tăng trưởng nóng.

Thứ hai, có hiện tượng đầu cơ, nên đòi hỏi cả chủ thể và nhà đầu tư bớt đầu cơ.

Thứ ba, nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Vì nếu dùng đòn bẩy tài chính khi thị trường ổn định và tăng thì không vấn đề gì, nhưng một khi thị trường đi xuống, buộc phải giải chấp, thì rất rủi ro và nguy hiểm.

Thứ tư, không ít nhà đầu tư theo xu hướng đám đông, phong trào, thấy lãi suất tăng là đầu tư, chứ không có phân tích, đánh giá, nên rất nguy hiểm.

Do đó, như tôi đã nói, phải có các trung gian như công ty đánh giá tín nhiệm, công ty tư vấn, đánh giá để nhà đầu tư có thể tham khảo trước khi ra quyết định rót vốn vào TPDN.

Tin liên quan
Tin khác