Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạm hạ nhiệt trong năm 2020 sau khi các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của đối tượng phát hành. |
Doanh nghiệp tay không huy động cả ngàn tỷ đồng trái phiếu
Năm 2019, thị trường xôn xao khi Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng - một công ty mới thành lập được 3 năm, vốn điều lệ vỏn vẻn 5 tỷ đồng - lại phát hành thành công hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu. Doanh nghiệp này cũng không công bố phương án sử dụng vốn để chứng minh khả năng trả nợ số tiền vay với lãi suất cắt cổ này.
Trường hợp như Hồng Hoàng không phải là hiếm. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2019, có ít nhất 17 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50-100 lần vốn chủ sở hữu. Tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao để huy động vốn mà “tù mù” phương án sử dụng vốn, phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu… cho nhà đầu tư diễn ra rất phổ biến.
Phát triển mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp nằm trong mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thị trường phát triển quá nóng, một số doanh nghiệp lợi dụng phát hành trái phiếu để phục vụ mục đích riêng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính lo lắng.
Đã có nhiều cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu quá dễ dãi khiến nhà đầu tư trót mua trái phiếu phải nín thở vì nguy cơ không được trả gốc lẫn lãi, không mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết… Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính dự định siết lại điều kiện phát hành trái phiếu được nhiều chuyên gia và một số doanh nghiệp lớn ủng hộ.
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo quy định khống chế về thời gian giữa các đợt phát hành, về lãi suất phát hành trái phiếu…
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc Bộ Tài chính sửa đổi điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp không nên hiểu là “siết” thị trường trái phiếu. Sau một thời gian thử nghiệm mở cửa thị trường trái phiếu, cơ quan quản lý đã phát hiện ra các rủi ro, bất cập như: doanh nghiệp vốn điều lệ vài chục tỷ đồng, nhưng phát hành trái phiếu hàng ngàn tỷ đồng, lãi suất phát hành trái phiếu cao cắt cổ…
“Đây là các lỗ hổng của thị trường mà cơ quan quản lý chưa lường trước, nay phát hiện ra và trám lại là hết sức cần thiết vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý thị trường này. Tất nhiên, Việt Nam vẫn phải khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, song cũng cần nắn lại cho thị trường đi vào nề nếp, hạn chế tối đa tiêu cực”, ông Bảo nói.
Không quá “ưu ái” doanh nghiệp bất động sản
Nếu Bộ Tài chính sớm ban hành quy định “siết” điều kiện phát hành, cũng như lãi suất phát hành trái phiếu, các ngân hàng hầu như không bị ảnh hưởng, mà nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là doanh nghiệp bất động sản.
Trong báo cáo triển vọng ngành năm 2020, VnDirect nhận định, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2020 sẽ gặp nhiều trở ngại hơn.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạm hạ nhiệt trong năm 2020 sau khi các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của đối tượng phát hành. Nhìn chung, chúng tôi lo ngại các công ty kinh doanh bất động sản sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi tìm kiếm quỹ đất cũng như mở bán dự án. Chỉ có những chủ đầu tư với tiềm lực tài chính mạnh, đòn bẩy tài chính thấp hay các chủ đầu tư nước ngoài có thể miễn nhiễm với sóng gió trên”, báo cáo của VnDirect nhận định.
Chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán cho hay, thống kê của công ty này cho thấy, nhóm doanh nghiệp bất động sản huy động trái phiếu rất nhiều, song phân nửa là doanh nghiệp chưa niêm yết, thông tin công bố không đáng tin cậy. Hơn nữa, nhóm doanh nghiệp này cũng thường xuyên huy động trái phiếu cao hơn nhiều vốn chủ sở hữu, huy động với tần suất dày đặc…
Vì vậy, dù cho rằng, việc siết lại điều kiện phát hành trái phiếu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, song theo các chuyên gia, không nên có ngoại lệ cho thị trường bất động sản, mà dễ dãi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Nếu chỉ nhăm nhăm lo vốn cho thị trường bất động sản, cả nền kinh tế sẽ bị ‘bắt làm con tin’. Nên coi bất động sản là một trong các ngành bình thường như nhiều ngành khác trong nền kinh tế, không có sự ưu ái nào cả. Trái phiếu doanh nghiệp là sân chơi chung cho cả nền kinh tế. Dĩ nhiên, siết trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến thị trường bất động sản khó khăn hơn, song đây là điều cần thiết để nhà đất trở về đúng giá trị của nó”, ông Bảo nói.