Tranh chấp nội bộ DN và quyền khởi kiện của cổ đông
Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2004 quy định: tranh chấp trong nội bộ công ty có thể hiểu là tranh chấp giữa công ty với các thành viên/cổ đông của công ty; giữa các thành viên/cổ đông của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, tổ chức lại DN (sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty) (khoản 3 Điều 29).
Theo Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vấn đề này được phân biệt như sau:
Thứ nhất, các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi CTCP; về quyền sở hữu một phần tài sản, quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Thứ hai, các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của CTCP hoặc về quyền sở hữu tài sản, quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty…
Thứ ba, khi thực hiện hướng dẫn nêu trên, nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự, thì tranh chấp đó không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 3 Điều 29 của Bộ luật TTDS.
Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (LDN) 2005 cho phép thành viên/cổ đông (sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng) có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch HĐTV/Chủ tịch HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc) trong một số trường hợp nhất định khi những người này vi phạm vào nghĩa vụ và trách nhiệm theo chức trách được giao trái với pháp luật và Điều lệ công ty (xem bảng 1).
| ||
Những quy định gây tranh cãi
Quy định về tranh chấp nội bộ DN và quyền khởi kiện của thành viên/cổ đông tưởng như đã đầy đủ và là công cụ sắc bén cho cổ đông/thành viên thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, tranh chấp trong nội bộ công ty diễn ra rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi những quy định pháp luật phải có sự đồng bộ, không mâu thuẫn, xung đột thì mới giảm thiểu các tranh chấp, giúp công ty ổn định tổ chức và hoạt động.
Theo số liệu của ngành Tòa án, tranh chấp trong kinh doanh thương mại (trong đó có tranh chấp nội bộ công ty) có chiều hướng tăng mạnh, từ 8.411 vụ (năm 2011) lên 11.995 vụ (năm 2012).
So sánh với giai đoạn 2006 - 2010, thì số vụ tranh chấp năm 2012 tăng gấp từ 2 đến 6 lần (xem biểu 1). Dự báo, xu hướng tranh chấp kinh doanh thương mại (nhất là tranh chấp nội bộ công ty) sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, khi vi phạm nghĩa vụ của người quản lý và điều hành gia tăng; cũng như việc các cổ đông/thành viên đã ý thức được hơn về quyền và lợi ích của mình.
|
Một trong các quy định đang gây tranh luận hiện nay chính là quy định về hiệu lực nghị quyết, quyết định của ĐHCĐ, HĐTV/HĐQT nhưng bị khởi kiện (Điều 27 Nghị định 102/2010). Theo đó, “Nếu Điều lệ công ty không quy định khác, nghị quyết, quyết định của ĐHCĐ, HĐTV, HĐQT có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi rõ trong nghị quyết, quyết định đó.
Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông, thành viên HĐTV hoặc thành viên HĐQT yêu cầu khởi kiện hoặc trực tiếp khởi kiện đối với nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi Tòa án hoặc Trọng tài có quyết định khác”.
Mục đích của quy định này là bảo đảm cho việc các nghị quyết, quyết định của ĐHCĐ, HĐTV, HĐQT có hiệu lực thi hành, giúp hoạt động của DN diễn ra liên tục (kể cả trong trường hợp bị khởi kiện). Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, nghị quyết, quyết định này bị cổ đông/nhóm cổ đông, thành viên HĐTV/HĐQT yêu cầu kiện hoặc trực tiếp kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài. Trong thời gian chờ phán quyết của Tòa án, Trọng tài, nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành, nhưng gây thiệt hại cho bên khởi kiện thì ai chịu trách nhiệm, nhất là khi các nghị quyết, quyết định này đã thực hiện được một khoảng thời gian và có nhiều thay đổi gây bất lợi cho đối tượng đi kiện?
Thứ hai, liệu một nghị quyết, quyết định vừa ban hành đã bị khởi kiện ngay lập tức mà vẫn có hiệu lực thi hành, thì quy định này tại Nghị định 102/2010 có mâu thuẫn với những quy định của pháp luật tố tụng hay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không (Nghị định hướng dẫn thi hành luật tư - LDN, thì không thể trái với Luật, nhất là với các luật công - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)? Bởi lẽ theo pháp luật TTDS, bên khởi kiện có quyền yêu cầu Tòa án, Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ việc thực hiện các quyết định hoặc nghị quyết (như vụ việc xảy ra tại SUDICO, CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng).
Trả lời câu hỏi thứ nhất, các bên có thể vận dụng chính các quy định của LDN 2005 để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ban hành hoặc thông qua quyết định, nghị quyết. Theo đó, khi thông qua các nghị quyết, quyết định trái với pháp luật và Điều lệ công ty thì những tổ chức, cá nhân thông qua nghị quyết, quyết định đó “phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm” (khoản 4 Điều 108 LDN 2005).
Liên quan đến câu hỏi thứ hai, rõ ràng quy định tại Điều 27 NĐ102/2010 tưởng như “hỗ trợ” cho phía thông qua nghị quyết, quyết định, nhưng thực tiễn lại không giải quyết được gì nhiều. Có lẽ quy định này vẫn đang “khả thi” và được các cổ đông đa số (bao gồm cả các nhóm lợi ích lớn của công ty) vận dụng suốt thời gian vừa qua.
Hơn nữa, quy định về việc phải có biện pháp bảo đảm bằng tài sản khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, Trọng tài hay thủ tục tố tụng kéo dài khiến cho bên khởi kiện (nhóm cổ đông thiểu số) nản lòng, dù quyền lợi bị ảnh hưởng.
Để giải quyết tình trạng này, LDN sửa đổi sắp tới cần có những quy định chi tiết hơn hoặc thống kê về những trường hợp nghị quyết, quyết định có hiệu lực thi hành ngay (giống như quy định về các quyết định được thông qua tại cuộc họp ĐHCĐ với số cổ đông trực tiếp và uỷ quyền tham dự đại diện 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục triệu tập, nội dung chương trình họp và thể thức tiến hành họp không được thực hiện đúng như quy định - khoản 4 Điều 104 LDN).
Bên cạnh đó, việc sớm sửa đổi Bộ luật TTDS hoặc ban hành riêng một luật/pháp lệnh theo hướng, nên có một quy định về thủ tục TTDS rút gọn áp dụng đối với tranh chấp nội bộ công ty, để DN sớm ổn định tình hình tổ chức và hoạt động, tránh tình trạng giải quyết kéo dài như hiện nay (2 - 4 tháng, thậm chí 1 - 2 năm).
Đây thực sự là mong muốn và đòi hỏi bức thiết của cộng đồng DN, khi mà các tranh chấp trong nội bộ công ty đang ngày càng có xu hướng gia tăng rõ rệt.
(*) Công ty Luật Lê Minh
Luật sư Lê Minh Toàn - Luật sư Lê Minh Thắng(*) (ĐTCK)