Y tế - Sức khỏe
Tránh lúng túng khi học sinh trở lại trường học
Mộc An - 11/11/2021 16:05
Về nguyên tắc, nơi nào kiểm soát được dịch Covid-19, thì có thể cho học sinh trở lại trường học tập. Việc này do địa phương quyết định, song phải trên tinh thần chủ động, tránh lúng túng.
Học sinh nhiều huyện ngoại thành Hà Nội trở lại trường vào ngày 8/11.

Chuẩn bị kịch bản

Muốn học sinh trở lại trường học, cần phải căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương cũng như việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tuy vậy, hiện nay, Covid-19 lại diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch mới. Trong khi đó, mới có một vài địa phương tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ với số lượng khiêm tốn.

Để không bị động khi học sinh trở lại trường, nhiều tỉnh, thành phố đã lên sẵn các kịch bản, song vẫn băn khoăn vì các quy định chưa thực sự “khớp”.

Tại Hà Nội, một số hiệu trưởng băn khoăn vì ở bậc THPT đang có tình trạng một số học sinh học chéo quận/huyện so với nơi cư trú. Ví dụ, học sinh ở vùng cấp độ 3, 4 lại học ở trường trong khu vực cấp độ 1, 2.

Câu hỏi đặt ra là, khi trường ở vùng cấp độ 1, 2 cho học sinh trở lại, thì có thể cho phép những học sinh cư trú ở vùng cấp độ 3, 4 đến trường không. Nếu không được, thì sẽ nảy sinh tình trạng trong một lớp ở một trường sẽ có một số học sinh vẫn phải học trực tuyến, còn đa số học trực tiếp. Việc này sẽ gây khó khăn trong quản lý và khó khăn cho những học sinh rơi vào tình huống cá biệt.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội quy định, giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 chỉ dạy trực tuyến. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, hiện toàn Thành phố mới có khoảng 60% cán bộ, giáo viên tiêm đủ 2 mũi; tỷ lệ này thấp hơn hoặc cao hơn tùy từng địa bàn.

Trong khi chờ dịch được kiểm soát cũng như bao phủ tiêm vắc-xin, các địa phương đang tranh thủ thời gian để rà soát tiến độ, chất lượng dạy và học để có phương án bù đắp điểm còn yếu, đồng thời lên phương án tổ chức thi học kỳ 1.

Thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) cho biết, việc đầu tiên khi học sinh đi học trực tiếp là bảo đảm thực hiện đúng tiến độ chương trình năm học, tiếp đến là tranh thủ khoảng thời gian này củng cố cho học sinh những kiến thức cơ bản mà các em học chưa tốt. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi thầy cô phải có kế hoạch rất khoa học.

Để làm được điều này, Trường THPT Phúc Lợi dự kiến tăng cường vào những tiết học buổi chiều, song lãnh đạo Nhà trường cũng lo ngại khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có những định hướng, cơ chế cụ thể để Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể.

Còn tại Bắc Ninh, theo ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh đã lên kế hoạch triển khai kiểm tra giữa học kỳ 1 đối với các cấp tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, tổ chức từ ngày 10 - 12/11. Đối với các cơ sở giáo dục tại địa phương ở mức độ dịch cấp độ 1, 2, học sinh làm kiểm tra trực tiếp; mỗi buổi kiểm tra chỉ tổ chức nhiều nhất 2 khối lớp. Đối với những nơi còn học trực tuyến, các trường chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra bằng hình thức trực tuyến hoặc bài thực hành, dự án học tập. Nội dung kiểm tra, đánh giá căn cứ chương trình lõi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, không gây quá tải đối với học sinh.

Tránh gây áp lực, quá tải

Đà Nẵng dự kiến cho học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 15/11. Vì vậy, các trường học đã xây dựng đồng thời 2 phương án tổ chức kiểm tra giữa học kỳ 1, trong đó ưu tiên tổ chức kiểm tra khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Cùng với đó, các trường đều phải chủ động xây dựng phương án kiểm tra định kỳ trực tuyến để bảo đảm tiến độ. Nếu tổ chức kiểm tra theo phương án này, giáo viên sẽ khảo sát để xây dựng đề kiểm tra phù hợp, không quá áp lực, nhưng vẫn đủ để phân loại, đánh giá học sinh.

Tỉnh Nghệ An đang áp dụng hai hình thức học song song. Những vùng dịch bệnh được kiểm soát tốt đã tổ chức cho học sinh đến trường, còn ở một số khu vực như TP. Vinh vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến.

Ông Đào Công Lợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho hay, với những nơi còn học trực tuyến, Sở đã hướng dẫn giáo viên nâng cao kỹ năng ứng dụng giáo án điện tử, tăng thời lượng hướng dẫn học sinh ôn tập; kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho rằng, việc các nhà trường cần làm ngay khi học sinh trở lại là rà soát, đánh giá kết quả học tập của học sinh để sau đó ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho các em phù hợp với từng đối tượng. Bộ cũng có các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước khi học sinh trở lại trường, nhà trường cần đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học và phương tiện đưa đón học sinh (nếu có); đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế…; thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại nhà trường để có phân công cụ thể trong các hoạt động chống dịch.

“Chúng tôi đề nghị các địa phương lưu ý ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học”, ông Thành nói.

Tin liên quan
Tin khác