Bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 |
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng. Bên cạnh đó tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như Y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp.
Đặc biệt, mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S có thể nói là niềm tự hào của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Đến nay Hue-S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/một ngày. Tính riêng năm 2021, đã có hơn 17.400.000 lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 Tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào Hue-S.
Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, Thừa Thiên Huế được xem là một trong những địa phương trong cả nước đi đầu và là điểm sáng trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp (chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - ICT index và chỉ số chuyển đổi số -DTI xếp thứ 2 toàn quốc).
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: Y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc; đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân đặc biệt là thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của Thừa Thiên Huế sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Khánh Hòa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.