Chiều nay (14/5), Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp báo về Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần 3, năm 2015.
Thông tin tại Hội nghị, ông Trần Việt Hùng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và sự năng động sáng tạo của các tỉnh Tây Nguyên trong việc xúc tiến đầu tư, nguồn vốn vốn đầu tư vào Tây Nguyên đã liên tục tăng. Thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vốn đầu tư vào Tây Nguyên chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong giai đoạn 2010-2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội toàn vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 4,7 – 5,1% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên còn rất hạn chế cả về số dự án, số vốn, vốn bình quân một dự án và tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Lũy kế đến năm 2014, toàn vùng thu hút được 148 dự án FDI với tổng số vốn 819,8 triệu USD, bằng 0,83% tổng số dự án và 0,32% tổng số vốn FDI của cả nước. Bình quân vốn đầu tư 1 dự án FDI vào Tây Nguyên chỉ bằng 39% so với bình quân chung của cả nước. Trong tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng chiếm 82,4% số dự án và 61% tổng nguồn vốn. Trong 2 năm 2013, 2014, Lâm Đồng chiếm hầu hết nguồn vốn FDI của cả vùng.
Thành phố Pleiku (Gia Lai) |
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II (11-12/4/2013) tổ chức tại thành phố Pleuku, tỉnh Gia Lai, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16.149,09 tỷ đồng và 11,5 triệu USD. Các ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Nguyên như : cho vay chăm sóc cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thuỷ điện... với tổng số 28 dự án và số tiền cam kết đầu tư lên tới 23.899 tỷ đồng.
Tiếp nối thành công hai Hội nghị trước, Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần 3 năm 2015 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, nhằm huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững và giải quyết tốt an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng…
Ông Trần Việt Hùng cho hay, ngoài những dự án cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013, từ đó đến nay, có rất nhiều DN quan tâm đầu tư vào Tây Nguyên. Tại Hội nghị lần thứ 3 được ổ chức vào ngày 17/5 tới, dự kiến các tỉnh tại khu vực Tây Nguyên sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án. Trong đó Gia Lai có 4 dự án, tiêu biểu là dự án nuôi 230.000 còn bò sữa, bò thịt, Đăk Nông có 2 dự án, gồm một dự án chế biến khoáng sản và một dự án giáo dục, Lâm Đồng trao giấy chứng nhận cho dự án Khu biệt thự Đà Lạt và dự án xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ hậu mãi của Toyota...