Tiêu dùng
Trẻ em phải cõng chi phí định vị thương hiệu sữa
Hải Hà - 13/05/2013 14:14
Một trong những nguyên nhân khiến giá sữa tại Việt Nam cao hơn so với thế giới là người tiêu dùng đang phải trả cho cả chi phí thương hiệu của các doanh nghiệp. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) trao đổi về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa Hà Nội

Thưa ông, giá sữa tại Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới, ở mức 1,4 USD/lít, trong khi ở châu Âu và Mỹ là khoảng 0,8-0,9 USD/lít. Ông bình luận gì về điều này?

Giá sữa được hình thành trên cơ sở giá mà doanh nghiệp muốn bán và giá mà người tiêu dùng đồng ý mua. Doanh nghiệp nào cũng muốn bán giá cao nhất mà mình có thể bán được.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình chiến lược cạnh tranh, phương thức tiếp thị và thị trường mục tiêu tốt nhất để có thể bán được nhiều sữa nhất với giá cao nhất.

Những công ty lớn, đặc biệt là công ty nước ngoài, thường đầu tư sản xuất với quy mô lớn, bán trên thị trường rộng và cho ra sản phẩm mang tính đại trà với chi phí thấp. Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn thị trường mục tiêu hẹp với phân khúc sữa trẻ em.

Tuy nhiên, người tiêu dùng mua sữa thường chọn những công ty lớn, đã tạo được uy tín nhờ chi mạnh cho quảng cáo. Trong trường hợp này, người tiêu dùng đã phải trả chi phí thương hiệu trong giá sữa.

Như vậy, giá sữa cao là do doanh nghiệp?

Doanh nghiệp đang chịu những yếu tố khách quan như chi phí bán hàng, chi phí nguyên vật liệu, khấu hao thiết bị, chi phí phân phối tiếp thị… Khi những chi phí này tăng thì giá sữa khó mà giảm.

Xét về quan điểm kinh tế thị trường, thì giá là điểm gặp nhau giữa cung và cầu. Cầu về sữa của chúng ta ngày càng tăng, còn theo dự báo, đến năm 2017, nguồn cung sữa tại các nước mà Việt Nam đang nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm dần. Khi nhu cầu của thế giới tăng lên, nguồn cung sữa lại giảm thì giá tăng là quy luật khách quan.

Người tiêu dùng Việt Nam đang chấp nhận thực tế “chất lượng ngoại, giá ngoại”. Phải chăng sữa nội chưa đáp ứng yêu cầu?

Sữa ngoại hay sữa nội đều bắt nguồn từ sữa tươi. Phải thừa nhận rằng, nguồn sữa tươi từ những con bò do phần lớn nông dân nuôi là không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, một số trang trại của Việt Nam đã bắt đầu đạt được chất lượng nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Thời điểm này, đa phần các doanh nghiệp trong nước đang chế biến sữa bột trẻ em từ nguồn nguyên liệu sữa nhập ngoại, do chúng ta chưa đủ điều kiện và công nghệ để chế biến từ sữa tươi sang sữa bột.

Tuy nhiên, có thực tế là, sữa ngoại có thể rất tốt với trẻ em nước ngoài, nhưng chưa chắc đã phù hợp với trẻ em Việt Nam. Đơn cử, tại Nhật Bản và Thái Lan, sữa bột trẻ em không cần bổ sung i-ốt, trong khi trẻ em Việt Nam rất cần thành phần này.

Tin liên quan
Tin khác