UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định số 572/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Vĩnh Long đến năm 2030.
Mục tiêu nhằm phát triển TP. Vĩnh Long hướng đến thành phố xanh ven sông - Thành phố giao lưu, hiện đại; phấn đấu đến năm 2025, TP. Vĩnh Long từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại II và là đô thị loại I sau năm 2030. TP. Vĩnh Long trở thành đô thị vệ tinh độc lập trong vùng trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, có tính kết nối, phát triển bền vững; phát triển TP. Vĩnh Long là một trọng tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...
Nhu cầu vốn tổng hợp toàn Chương trình phát triển đô thị TP. Vĩnh Long đến năm 2030 khoảng 27.204,93 tỷ đồng |
Các khu vực phát triển đô thị, gồm: Khu vực lõi đô thị thuộc khu vực trung tâm thành phố, bao gồm 6 phường (các phường 1, 2, 4, 9, một phần diện tích phường 3, 8). Chức năng khu vực này là phân vùng trung tâm của thành phố, có trung tâm hành chính mới của tỉnh Vĩnh Long (phường 9) và khu vực đô thị lịch sử (phường 1), tập trung các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, văn phòng quan trọng của tỉnh và thành phố. Định hướng của khu vực này là tập trung các chức năng đô thị, hình thành đô thị sầm uất, đồng bộ xứng tầm là bộ mặt của tỉnh Vĩnh Long. Trọng điểm là đô thị trung tâm hành chính mới của tỉnh Vĩnh Long (phường 9), trung tâm đô thị lịch sử (phường 1).
Khu vực đô thị chuyển tiếp nằm bao quanh khu lõi đô thị, gồm phường 5, 3, 8 và mở rộng ra phần lớn 4 phường mới là: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội và một phần nhỏ 3 xã Tân Hạnh, Phước Hâụ, Thanh Đức của huyện Long Hồ. Chức năng của khu vực này là đáp ứng sự gia tăng nhu cầu nhà ở cho dân số gia tăng đến năm 2035, xây dựng nhà ở và các công trình công cộng đô thị phục vụ cho cư dân. Phân vùng này đáp ứng nhu cầu nhà ở mật độ thấp, nhiều cây xanh hơn so với khu vực lõi đô thị. Định hướng là xây dựng các tuyến đường vành đai và hướng tâm cho các khu đô thị đảm bảo liên kết trong khu đô thị và liên kết các khu đô thị mới; hình thành trọng điểm sản xuất mới.
Khu vực ngoại thành nằm ở vòng ngoài cùng của đô thi, gồm một phần các phường Tân Hội, Tân Hòa, Tân Ngãi, phần còn lại của 3 xã Tân Hạnh, Phước Hậu và Thanh Đức của huyện Long Hồ. Chức năng là khu vực nhằm bảo vệ môi trường nhiều cây xanh của khu quy hoạch, và đóng vai trò kết nối đô thị và nông thôn. Định hướng tổ chức các hoạt động nông nghiệp với các cơ sở sản xuất liên quan nông nghiệp. Bố trí các trọng điểm sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch, (logistics)... Phát triển nhà ở quy mô nhỏ phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp.
Khu vực Cù lao An Bình nằm phía Bắc thuộc 2 xã An Bình, Hòa Ninh của huyện Long Hồ. Chức năng là trọng điểm du lịch đậm chất Đồng bằng sông Cửu Long với thiên nhiên phong phú, xây dựng với mật độ thấp, chú trọng bảo tồn cảnh quan vốn có. Định hướng phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường kết nối với trung tâm TP. Vĩnh Long ở một phần khu vực tiếp giáp với sông Tiền và sông Cổ Chiên. Bảo tồn cảnh quan vốn có của cù lao các khu vực ven sông còn lại và khu vực phía trong.
Nhu cầu vốn tổng hợp toàn Chương trình phát triển đô thị TP. Vĩnh Long đến năm 2030 khoảng 27.204,93 tỷ đồng (giai đoạn 2020 - 2025 là 14.725,9 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 12.479,03 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách (Trung ương, tỉnh, thành phố) chiếm 44,5% (khoảng 12.118,4 tỷ đồng); vốn vay, viện trợ chiếm 9,85% (khoảng 2.679,8 tỷ đồng); vốn xã hội hóa (từ doanh nghiệp, huy động nhân dân chiếm 45,6% (khoảng 12.406,7 tỷ đồng).