Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Những năm gần đây tỉ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) tại nước ta đã đạt trên 70% và tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đạt 70%. |
Thống kê năm 2020 cho thấy mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú chiếm 25,8% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.
Đáng ngại hơn, tại Việt Nam hiện nay, ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hơn nữa, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm ung thư vú.
Còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém.
Vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Theo số liệu của bệnh viện K, những năm gần đây, tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70% ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích), liệu pháp miễn dịch và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú.
Việc chẩn đoán ung thư vú thường dựa trên nền tảng là tầm soát bệnh, bắt đầu với việc tự khám vú đều đặn hàng tháng để phát hiện sớm các bất thường. Phần lớn các khối u này là những thay đổi lành tính của tuyến vú, chỉ có khoảng 10 – 20% khối u vú không may là ác tính.
Với những phụ nữ từ 40-49 tuổi nếu không có triệu chứng, việc chụp nhũ ảnh có thể được cân nhắc thực hiện hàng năm và mỗi 1-2 năm/lần với người trên 50 tuổi.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Bệnh viện Đa khoa Tâm anh TP.HCM khuyến cáo, phụ nữ ở mọi lứa tuổi cần chú ý đến sức khỏe vú của họ, cần tự khám vú và ghi nhận bất kỳ thay đổi bất thường nào của vú, để nhanh chóng đến khám với bác sĩ.
Những phụ nữ có tiền sử gia đình từng mắc bệnh ung thư vú, đặc biệt trường hợp người thân trước 40 tuổi, có thể bắt đầu tầm soát sớm hơn.
Ung thư luôn là vấn đề sức khỏe quan tâm tại nhiều quốc gia. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, năm 2016 có 165.000 trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2018 con số này lên đến 182.000. Cụ thể, năm 2020, nước ta có 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư, gấp 18 lần tổng số 6.700 ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm, gấp 3 lần tổng số 43.094 ca tử vong vì dịch Covid-19 tính đến tháng 8 năm 2022.
Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.
Để điều trị ung thư, ở giai đoạn sớm của bệnh có thể điều trị bằng phẫu thuật triệt căn và 60% bệnh nhân ung thư có thể can thiệp ngoại khoa.
Trong số ca mắc ung thư mới, 1/3 trong số đó nếu biết phòng bệnh có thể không mắc ung thư; 1/3 nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hẳn; 1/3 bệnh nhân còn lại phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn, do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.