Đầu tư
Trên 9.700 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái
Thanh Sơn - Thu Lê - 07/11/2015 12:57
Trong hai ngày 07 và 08/11, tại Thành phố Móng Cái, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức “Hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái”. Hội nghị có sự tham gia của gần 500 các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ trong và ngoài nước.

Ngay tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký kết tài trợ và ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án với tổng số vốn lên tới 9.731 tỷ đồng. Trong đó, có hai nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận đầu tư 230,6 tỷ đồng; một doanh nghiệp ký kết tài trợ 10 tỷ đồng để thực hiện một dự án xã hội và 7 dự án ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, với tổng số vốn dự kiến là  trên 9.490 tỷ đồng.

Trong 7 dự án này, một số dự án có vốn đầu tư lớn, như: dự án Khách sạn 4 sao tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Trà Cổ - Bình Ngọc; dự án đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái; dự án Chăn nuôi, bảo tồn, phát triển giống Lợn Móng Cái theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững của CTCP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh...

Ông Nguyễn Văn Thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký Đầu tư cho hai nhà đầu tư tại Hội Nghị

Điều này đã phần nào khẳng định sự hấp dẫn của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đặc biệt là tính phù hợp và sát với thực tế của quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cũng được công bố ngày hôm nay.

Theo TS.KTS Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu  Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu  Móng Cái thành một KKT phát triển có tính đặc thù, mang tầm quốc tế và có tính cạnh tranh quốc tế cao. Đưa nơi đây trở thành một cực tăng trưởng phát triển kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và là động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc. Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu  này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai, lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, triển khai các chương trình phát triển và các dự án đầu tư”.

Những quy hoạch chiến lược đã cụ thể hóa mục tiêu xây dựng một Khu kinh tế cửa khẩu mang tầm vóc quốc tế, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, cũng như chiến lược, quan điểm, mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2050 như lời ông Marco Breu, Giám đốc Công ty tư vấn McKinsey & Company Singapore, PTE Ltd khẳng định.

7 nhà đầu tư kí biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư vào KKTCK Móng Cái với tổng vốn dự kiến gần 9.700 tỷ đồng

 

Đồng thời, các quy hoạch cũng đã xác định một lộ trình, bước đi phù hợp, tối ưu hóa việc sử dụng không gian và nguồn lực phát triển đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá, đây là “nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần đạt được mục tiêu phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu , cũng như tạo ra giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư và là cơ sở thuyết phục trong hoạt động xúc tiến, thu hút các nguồn lực đầu tư của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái”.

Theo ông Long, việc xây dựng và công bố quy hoạch mới chỉ là bước khởi đầu, vấn đề đặt ra là phải tổ chức quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, hiện thực hóa quy hoạch, đưa quy hoạch vào cuộc sống mới là quan trọng. Do đó, mục tiêu công bố qui hoạch và nội dung chính được đề ra của hội nghị này.

Tại phiên Tọa đàm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, các nhà khoa học, nhà quản lý có chung nhận định, phải đánh giá được một cách toàn diện và sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh của Khu kinh tế cửa khẩu  Móng Cái mới có thể đưa ra những giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đã có hơn 30 ý kiến thảo luận, phát biểu tại Hội nghị về những nội dung này.

T.S Nguyễn Anh Tuấn – TBT báo Đầu tư chia sẻ, hai bản quy hoạch chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nhiều cơ hội. Đặc biệt, các quy hoạch đã bám sát vào những thế mạnh khác biệt, nổi trội của nơi đây, như vị trí cửa ngõ giao thương với thế giới - khi nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, khu hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore; ... Do đó, trong bối cảnh hội nhập, Móng Cái có thể đón nhận nhiều cơ hội đầu tư lớn.

Để hấp thụ tốt nhất những cơ hội này, cần phải xây dựng các quy hoạch chi tiết dựa trên hai quy hoạch chiến lược vừa được phê duyệt, và tạo ra các cơ chế đặc thù. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mô hình hành chính cần phải cải thiện tốt để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt công tác này. Điều đó đã được khẳng định qua dòng vốn đầu tư vào Quảng Ninh trong thời gian qua tăng rất nhanh, với sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn như Vingroup,  Sungroup, ... Và đối với Khu kinh tế cửa khẩu  Móng Cái chính là sự hưởng ứng và tham gia của 07 nhà đầu tư, khi họ cam kết với lãnh đạo tỉnh nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu  này.

Tin liên quan
Tin khác