Tại Việt Nam, AI được kỳ vọng đóng góp từ 150 đến 200 tỷ USD vào GDP năm 2030. Ảnh: Đức Thanh |
“Từ khóa chủ chốt”, “hình ảnh ấn tượng”
Sự kiện gã khổng lồ chip bán dẫn NVIDIA (Hoa Kỳ) mua cổ phần VinBrain mở 2 trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam được bình chọn là một trong 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024 do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) thực hiện. Nhưng hình ảnh đáng nhớ, ấn tượng nhất của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong năm là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cười tươi nâng ly bia Trúc Bạch, chạm cốc cùng ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn NVIDIA ở phố Tạ Hiện (Hà Nội).
Trước cuộc “dạo phố”, chiều hôm đó, hai ông đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. VRDC sẽ là một trong 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI lớn trên thế giới, bên cạnh Thung lũng Silicon của Mỹ và một trung tâm khác ở Đài Loan. NVIDIA cũng mua lại VinBrain (một start-up AI của Vingroup) để phát triển một trung tâm thiết kế tại Việt Nam.
Một năm trước, tháng 12/2023, “ông trùm” chip AI Jensen Huang cũng đã đến Việt Nam. Thời điểm đó, vốn hóa trên thị trường của “vua chip AI” NVIDIA đạt hơn 1.200 tỷ USD. Nhưng tại thời điểm ông nâng cốc bia Trúc Bạch vàng óng, thì vốn hóa NVIDIA đã là 3.400 tỷ USD.
Cũng một năm trước, trong cuộc làm việc với Viettel, tỷ phú giàu thứ 11 thế giới cho rằng: “AI là cơ hội tuyệt vời ngàn năm có một lần. AI của các bạn phải được tạo ra tại Việt Nam, vận hành tại Việt Nam và được cải tiến, nâng cấp ở Việt Nam. Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư phần mềm rồi. Các bạn có thể đào tạo lại kỹ sư phần mềm, giới thiệu AI cho họ. Và khi đó, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu AI lớn nhất thế giới thông qua lực lượng lao động phần mềm”.
Sau cuộc gặp với NVIDIA, Viettel đang đầu tư xây dựng một trung tâm dữ liệu AI quy mô với tổng vốn khoảng 100 triệu USD. Còn FPT đã hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA, đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy AI (AI Factory) cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu, phát triển AI tại Việt Nam.
Trong chuyến đi lần này, ngoài việc mở trung tâm R&D tại Việt Nam, NVIDIA cũng cam kết dịch chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới, với giá trị đầu tư nhiều tỷ USD. Việc hợp tác với NVIDIA lần này có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam, khẳng định tiềm năng, vị thế của Việt Nam về khả năng nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là AI.
“Thỏa thuận hợp tác với NVIDIA thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam để ‘bắt kịp, tiến cùng và vượt lên’ trong lĩnh vực AI - một trong những ngành công nghệ có nhiều phát triển đột phá hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng một trung tâm R&D về AI tiêu chuẩn thế giới và được đầu tư, vận hành bởi một tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA là cần thiết và là tiền đề quan trọng để phát triển hệ sinh thái AI Việt Nam, qua đó thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai ứng dụng các công nghệ AI tiên tiến.
Đây cũng là cú hích quan trọng để Việt Nam có được bước tiến lớn về công nghệ trong thời gian tới, có tác động lan tỏa tới các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, đầu tư vào Việt Nam.
Vài ngày sau cuộc “ngoại giao bia” trên phố Tạ Hiện, tại Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, chuyển đổi số rất rộng, nhưng cốt lõi là nghiên cứu, phát triển AI trên cơ sở dữ liệu; AI của Việt Nam phải dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam.
Cơ hội lớn của Việt Nam
Nhận định về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng mới AI, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho rằng, AI không chỉ là một công nghệ, mà còn là tiềm lực phát triển, có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống. AI đang là động lực đột phá, thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng và toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
“Các chuyên gia dự đoán rằng, AI sẽ đóng góp 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, giúp tăng năng suất lao động lên 40% vào năm 2035. Đặc biệt tại Việt Nam, AI được kỳ vọng đóng góp từ 150 đến 200 tỷ USD vào GDP năm 2030”, ông Chính chia sẻ.
Còn theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI là cốt lõi của các công nghệ cốt lõi, là nền tảng quan trọng để chuyển tiếp thế giới thực và thế giới ảo trong tương lai của loài người. Ngày nay, AI đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong cuộc sống. Thị trường và khả năng ứng dụng đã rất rộng mở, nhu cầu xuất hiện ngày càng nhiều.
FPT là một trong các doanh nghiệp “đặt cược” sớm nhất vào AI, từ hơn 10 năm trước. “Các tập đoàn lớn đều đầu tư vào AI với mức độ có thể gấp đôi sau mỗi năm và ở quy mô hàng trăm tỷ USD. NVIDIA trở thành công ty hơn 3.000 tỷ USD và sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. Đó là vì nhu cầu ở khắp nơi. Rất nhiều nước phải chờ đợi mà không được, nhưng Việt Nam đã có”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ.
Theo ông Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm công bố con đường Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình là con đường chuyển đổi số, con đường phát triển công nghệ. Chính phủ đã xác định AI là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia.
“Khi đó, tôi nói với Jensen Huang rằng, Việt Nam có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, nửa triệu người làm phần mềm, ông ấy trả lời: ‘Khỏi phải bàn, Việt Nam dứt khoát đứng cùng các dân tộc tiên tiến nhất trên thế giới’. Và đấy cũng là ý do ông chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai cho NVIDIA”, ông Bình kể.
Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, AI là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giống như động cơ hơi nước của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, máy phát điện của cách mạng công nghiệp lần thứ hai và máy tính cá nhân của cách mạng công nghiệp lần thứ ba. “Trợ lý ảo có thể là ứng dụng quan trọng nhất của AI”, ông Hùng chia sẻ.
Báo cáo của Google mới đây nhận định, Việt Nam đã công bố lộ trình kỹ thuật số đầy tham vọng trong năm, trong đó nhấn mạnh vào AI và công nghệ bán dẫn, cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện các dịch vụ công. Nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam.
Nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu được 79,3 tỷ USD vào năm 2030, tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030. “AI sẽ là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam hiện thực hóa dự báo trên”, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương nhận định.
Vì một tương lai rực rỡ của ngành công nghiệp AI
Thời gian qua, Chính phủ luôn coi trọng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là AI và bán dẫn. Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam bắt đầu những bước chân đầu tiên phát triển ngành công nghiệp AI. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam, mà tất cả quốc gia trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đang dự thảo luật để công nhận những nguyên tắc cơ bản của AI, như AI là để phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo sự minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và quyền con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, đảm bảo an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro và đổi mới có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Trung Chính cũng kiến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý về AI. Theo đó, cần xây dựng các quy định pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển và ứng dụng AI trên quy mô toàn quốc, đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro trong quá trình triển khai AI, đặc biệt trong các lĩnh vực có tác động lớn như y tế, giáo dục, giao thông và tài chính.
“Chính phủ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp sản xuất, y tế đến giáo dục và dịch vụ công. Điều quan trọng là, phải xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn việc làm và đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng cho việc ứng dụng AI, nhằm đặt con người ở trung tâm và tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài”, ông Chính khuyến nghị.
Trong một diễn biến mới, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa công bố thành lập Ủy ban Đạo đức AI với sứ mệnh định hướng lộ trình phát triển AI của Việt Nam, đảm bảo AI được triển khai theo chuẩn mực đạo đức, đổi mới sáng tạo song hành với lợi ích xã hội và thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho AI.
“Đây là một trong những minh chứng cho tầm nhìn của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò dẫn dắt có trách nhiệm trong kỷ nguyên AI. Trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức chưa từng có, nhu cầu về quản trị có trách nhiệm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng thể chế quản lý AI tại Việt Nam. Trước mắt, tập trung vào quy tắc đạo đức, khung quản trị, quản lý rủi ro, khung thẩm định, đánh giá sản phẩm và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng và lấy ý kiến chuyên gia về Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn AI có trách nhiệm ở Việt Nam.
Với những chuyển động mạnh mẽ đó, hy vọng trong thời gian tới, ngành công nghiệp AI sẽ cùng với công nghiệp bán dẫn trở thành những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.