Doanh nghiệp
Trích lập dự phòng quyết định số phận Ocean Group
Chí Tín - 20/08/2018 10:12
Các khoản còn lại cần phải trích lập dự phòng sẽ định đoạt số phận của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã OGC, sàn HoSE).

Cổ đông lớn nhất mất quyền cổ đông

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 15/8, Hội đồng Quản trị Ocean Group đã công bố quyết định vừa ban hành của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội về việc kê biên tài sản của ông Hà Văn Thắm. Số tài sản kê biên gồm gần 68,8 triệu cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (do ông Thắm là chủ doanh nghiệp) và hơn 3,3 triệu cổ phiếu đứng tên cá nhân ông Thắm.

Trước đó, Ocean Group đã lúng túng suốt một thời gian dài trong việc xác định tư cách cổ đông đối với Công ty Hà Bảo và ông Hà Văn Thắm. Vụ việc liên quan đến cá nhân ông Thắm diễn ra từ năm 2014, nhưng suốt một thời gian dài sau đó, các cơ quan pháp luật chưa có văn bản, quyết định nào phủ nhận quyền sở hữu đối với số cổ phần liên quan đến ông Thắm tại Ocean Group.

Từ thực tế đó, trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, Ocean Group đã gửi công văn đến Cục Thi hành án dân sự đề nghị xác nhận quyền cổ đông của ông Hà Văn Thắm và Công ty Hà Bảo.

Theo ý kiến trả lời của Cục Thi hành án dân sự, ông Hà Văn Thắm phải nộp hơn 1 tỷ đồng án phí dân sự và hình sự, đồng thời phải cùng ông Nguyễn Xuân Sơn bồi hoàn Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) hơn gần 991 tỷ đồng (phần của ông Thắm là gần 791 tỷ đồng). Cá nhân ông Thắm còn phải bồi hoàn hơn 106 tỷ đồng cho Ocean Bank. Đến thời điểm này, thời gian tự nguyện thi hành án đã hết, nhưng ông Thắm chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và Ocean Bank. Vì vậy, Cục Thi hành án phải thực hiện kê biên số cổ phiếu của Công ty Hà Bảo và ông Thắm để đảm bảo việc thi hành án.

Năm 2018, Ocean Group đặt mục tiêu doanh thu 1.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng

Ẩn số trích lập dự phòng

Ngoài vấn đề liên quan đến Hà Bảo, một trong nội dung quan trọng của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của Ocean Group là hoạt động tài chính. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, Ocean Group đặt mục tiêu doanh thu 1.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng.

Việc đặt ra mục tiêu lợi nhuận này cũng để lại ít nhiều ngờ vực về tính khả thi, bởi Ocean Group chưa có dấu hiệu thoát khỏi vũng lầy khó khăn. Trong 2 năm liền trước đó, Công ty đều thua lỗ rất nặng: lỗ 471 tỷ đồng trong năm 2017 và lỗ 794 tỷ đồng năm 2016. Hiện nay, cổ phiếu OGC của Ocean Group đang trong diện kiểm soát đặc biệt và nếu Công ty tiếp tục thua lỗ trong năm 2018, thì cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo ông Lê Huy Giang, Phó tổng giám đốc Ocean Group, Công ty thua lỗ trong 2 năm qua chủ yếu do phải thực hiện trích lập dự phòng quá lớn (trích lập 844 tỷ đồng năm 2017). Ông Giang cho biết, Công ty đã trích lập khoảng 95% các khoản có khả năng phải trích lập, nên hiện tại, Ocean Group đã “nhẹ gánh” khá nhiều.

Bên cạnh đó, các cổ đông vẫn còn lo ngại trong việc xác định rõ ràng ranh giới các khoản công nợ có thể thu hồi. Theo đó, việc thu hồi nợ của Ocean Group sẽ có vai trò quyết định việc công ty này có thể giữ các khoản phải trích lập dự phòng không tiếp tục gia tăng trong thời gian tới hay không. Trước vấn đề này, đại diện Ocean Group cho biết, Công ty và các đơn vị thành viên đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để đôn đốc, thu hồi các khoản hỗ trợ vốn này, trong đó có việc thuê đơn vị tư vấn luật có chức năng đòi nợ để thực hiện đánh giá các khoản công nợ và thực hiện các thủ tục đòi nợ theo luật định. Trong khi đó, các đối tác có khả năng trả nợ vẫn đang có hoạt động sản xuất - kinh doanh và thể hiện trách nhiệm trả nợ với Ocean Group.

Ông Giang tiết lộ, hiện tại, Occean Group đang theo đuổi 2 vụ kiện đòi nợ và Công ty sẽ thông báo đến các cổ đông khi có kết quả cuối cùng của Tòa án.

Tin liên quan
Tin khác