Ngân hàng
Triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội: Người mua nhà lẫn chủ đầu tư sốt ruột chờ hướng dẫn
Hà Tâm - 26/02/2023 09:09
Cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư đang hết sức mong ngóng các gói tín dụng nhà ở xã hội, trong khi phía ngân hàng thương mại cho biết vẫn đang chờ hướng dẫn.
Không chỉ giúp người lao động thu nhập thấp có cơ hội an cư, các gói tín dụng nhà ở xã hội còn như “mồi lửa nhỏ”  làm ấm thị trường bất động sản. Trong ảnh: Một phần khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng thương mại đang đợi hướng dẫn

Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ có giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Gói tín dụng này sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng sẽ được dành cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại sẽ dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Thống đốc NHNN, việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng cung nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu là vấn đề cần phải cân nhắc. Với nguồn vốn từ tái cấp vốn, đây là cung ứng tiền ra trong 10 - 15 năm, có thể làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ. Trong khi đó, ngành ngân hàng cũng phải dồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế khác và đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu.

Do đó, Thống đốc NHNN đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn lực của ngân hàng thương mại. NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2 % lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Hiện Công ty Lê Thành phải vay vốn để triển khai các Dự án nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm, giống như áp dụng với Dự án nhà ở thương mại. Thời gian qua, các chính sách chỉ mới hỗ trợ người mua nhà (hỗ trợ lãi suất vay mua nhà ở xã hội), không hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

- Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành

“NHNN sẽ thông báo cho các ngân hàng thương mại khác và nếu họ tham gia gói này, thì sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng thiếu hụt về thanh khoản, NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho họ”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngày 22/2, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay, chắc chắn các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ vào cuộc. Mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 dự kiến dành 30.000 tỷ đồng cho vay lãi suất thấp với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy vậy, thời điểm triển khai, tiêu chí vay và lãi suất ra sao thì vẫn đang đợi thêm các hướng dẫn từ Bộ Xây dựng và NHNN. 

Hiện chưa rõ chỉ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hay cả hai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ được ban hành. Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, gói 110.000 tỷ đồng sẽ phải nằm trong Đề án Tổng thể về phát triển nhà ở xã hội, còn gói 120.000 tỷ đồng là chương trình cam kết của các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi. Cả hai gói tín dụng trên đều hướng đến đối tượng là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thiếu nhà, vốn ưu đãi khó giải ngân

Thông tin về các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội được ban hành khiến doanh nghiệp hết sức vui mừng. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho rằng, các gói tín dụng hỗ trợ thị trường nhắm vào phân khúc nhà ở thực sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường, giống như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm (năm 2013).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn về việc “có nhà đâu để được cho vay”. Cách đây 10 năm, quỹ đất tại các thành phố còn khá lớn, việc cấp dự án nhà ở xã hội không quá khó khăn. Còn hiện nay, quỹ đất khan hiếm, việc tìm quỹ đất để xây dựng các dự án nhà ở xã hội là không đơn giản. Chưa kể, việc tháo gỡ thủ tục pháp lý không thể một sớm một chiều. 

Thực tế, ngay cả các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở hiện tại cũng vất vả giải ngân vì “không có nhà để cho vay”. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 15.000 tỷ đồng (Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội) đến nay mới giải ngân được hơn 9.900 tỷ đồng, do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn ít, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, việc đưa ra gói tín dụng ưu đãi chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, bao gồm cả thủ tục, giá nhà, tỷ suất lợi nhuận…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay, dù chính sách ưu đãi với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội đã có, nhưng triển khai rất nhiều vướng mắc. Tỷ suất lợi nhuận thấp, thủ tục phiền hà, lãi suất cao… khiến doanh nghiệp nản lòng.

Tin liên quan
Tin khác