Với thế mạnh về quy hoạch đô thị và hạ tầng bền vững, Singapore có thể hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực phát triển các thành phố thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon |
Tăng cường hợp tác
Năm 2023, Singapore và Việt Nam đã nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược song phương được thiết lập vào năm 2013 lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên đang nỗ lực hợp tác để việc nâng cấp này trở nên thực chất và đáng kể trong những năm tới.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore. Các hiệp định này thúc đẩy tự do hóa thương mại, giảm thuế quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động tại cả 2 quốc gia.
Ví dụ, vào năm 2023, thương mại song phương Việt Nam - Singapore đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với một thập kỷ trước, chứng minh hiệu quả của AFTA trong việc tạo thuận lợi cho thương mại.
Các FTA này nhằm nhấn mạnh những lợi ích của hệ thống thương mại quốc tế cởi mở, dựa trên luật lệ, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng do chính các quốc gia thương mại lớn đã thiết lập ngay từ đầu. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore theo truyền thống được hỗ trợ bởi Hiệp định khung về kết nối
Singapore - Việt Nam (CFA). Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2006, CFA phản ánh hợp tác trên 6 trụ cột, bao gồm giáo dục và đào tạo; tài chính; công nghệ thông tin và viễn thông; đầu tư; thương mại và dịch vụ; vận tải.
CFA thúc đẩy hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực và tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ hơn cho các công ty ở cả 2 quốc gia. Singapore là một trong 3 nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Các lĩnh vực đầu tư chính của Singapore là dịch vụ tài chính và bảo hiểm, sản xuất, bất động sản, bán buôn và bán lẻ.
Tháng 8/2023, CFA được mở rộng hơn nữa để bao gồm thêm hợp tác trong các lĩnh vực mới và đang nổi như năng lượng, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Triển vọng toàn diện
Cùng với những nỗ lực hoàn thiện khung khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Singapore, hợp tác trong các lĩnh vực mới được xác định vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. CFA nâng cao nhằm hướng tới quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và Biên bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore (được ký kết vào tháng 2/2023) cũng nhằm hướng tới quan hệ mới này.
Có thể thấy, Việt Nam và Singapore có khả năng hợp tác sâu hơn nữa trong một số lĩnh vực.
Một là, công nghệ xanh. Với cam kết chung về phát triển bền vững và đạt được phát thải carbon ròng bằng 0, Việt Nam và Singapore có thể hợp tác trong các dự án công nghệ xanh và năng lượng tái tạo.
- Ông Pang Te Cheng, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM
Thế mạnh của Singapore về quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững có thể hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực phát triển các thành phố thân thiện với môi trường và giảm phát thải carbon. Các nghiên cứu về tính khả thi của việc Singapore nhập khẩu năng lượng xanh (điện gió, hydro/amoniac xanh) từ Việt Nam cũng đang được tiến hành.
Hai là, đổi mới sáng tạo. Việt Nam và Singapore đều hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các sáng kiến nghiên cứu và phát triển chung trong các lĩnh vực như thành phố thông minh, chính phủ điện tử, năng lượng tái tạo, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và chất bán dẫn sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của cả 2 quốc gia trên thị trường toàn cầu.
Tháng 12/2022, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác Đổi mới sáng tạo Singapore - Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa khu vực công, khu vực tư nhân và viện nghiên cứu giáo dục đại học giữa 2 quốc gia.
Ba là, chuyển đổi số. Với sự quan tâm của Việt Nam đối với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nền kinh tế số, các lĩnh vực hợp tác giữa 2 bên có thể bao gồm kết nối số, luồng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng và các công cụ chính phủ điện tử.
Tháng 8/2022, National Computer Systems đã công bố quan hệ đối tác với Tập đoàn FPT để mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ trên thị trường và dự kiến tuyển dụng hơn 3.000 người vào năm 2025. Mới đây, một sự kiện kết nối kinh doanh về AI đã được tổ chức tại TP.HCM. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng của 2 nước cũng đang tìm hiểu việc triển khai kết nối thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán của khách du lịch.
Bốn là, hợp tác về khả năng phục hồi kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu về khả năng phục hồi và đa dạng hóa kinh tế. Việt Nam và Singapore có thể xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn, giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Sự hợp tác này rất quan trọng trong việc điều hướng những bất ổn kinh tế trong tương lai. Ví dụ, 2 nước đang xem xét việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm đông lạnh và chế biến nhiệt từ Việt Nam sang Singapore, xuất khẩu thịt chế biến từ Singapore sang Việt Nam…
Năm là, giao lưu văn hóa. Việc tăng cường giao lưu văn hóa và quan hệ nhân dân rất cần thiết để thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa người dân 2 nước. Các sáng kiến thúc đẩy giao lưu về giáo dục, du lịch và các chương trình văn hóa sẽ góp phần xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn giữa 2 quốc gia.
Sáu là, phát triển giáo dục. Giáo dục là nền tảng của mối quan hệ song phương. Thông qua việc tăng cường hợp tác về giáo dục và hợp tác giữa các trường học, các cơ sở giáo dục đại học, 2 nước có thể trang bị tốt hơn cho lực lượng lao động của mình để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục hiện hành (được gia hạn vào tháng 8/2023) sẽ tạo điều kiện liên kết hơn giữa các trường học của Singapore và Việt Nam thông qua Chương trình Kết nghĩa trường học và các chương trình thực tập... Các cơ sở giáo dục đại học của 2 nước cũng đã ký một số bản ghi nhớ để thúc đẩy trao đổi cán bộ và sinh viên, đào tạo và thực tập, bao gồm giáo dục kỹ thuật, nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Bảy là, tăng cường đối thoại chính trị. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại chính trị thường xuyên hơn và cấp cao hơn, cho phép cả 2 nước cùng nhau giải quyết các thách thức trong khu vực và toàn cầu.
Tám là, hợp tác khu vực. Cả 2 nước cam kết duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, điều này phụ thuộc vào quyền tự chủ, uy tín và sự gắn kết của ASEAN, cũng như việc củng cố mối quan hệ của ASEAN với các đối tác đối thoại chủ chốt. Bằng cách hợp tác với nhau, Việt Nam và Singapore có thể giúp định hình chương trình nghị sự kinh tế của ASEAN, thúc đẩy hội nhập khu vực, thực hiện tầm nhìn theo Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Singapore và Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa về các thỏa thuận thương mại, bao gồm các cơ chế mới như Khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Tại một cuộc họp diễn ra vào tháng 6/2024 tại Singapore về IPEF, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí thành lập một nhóm công tác chung để tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực cũng như nghiên cứu phát triển một mạng lưới cáp ngầm khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới.
Hướng tới giai đoạn tiếp theo
Sau khi đạt được những tiến bộ đáng kể, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức hơn; phải có cơ chế, chính sách và các điều kiện rất hấp dẫn để thu hút được dòng vốn đầu tư từ những nước lớn nhất và tiên tiến nhất.
Đến nay, Singapore vẫn là một trong những nhà đầu tư có vốn đăng ký lớn nhất tại Việt Nam. Tôi tin rằng, Singapore có thể đóng góp một phần trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam.
Theo khung khổ quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, có lẽ, phải xác định được một dự án thí điểm phù hợp, sử dụng kinh nghiệm của Singapore để tham khảo, nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với các điều kiện, văn hóa, môi trường và giai đoạn phát triển của Việt Nam. Có thể thí điểm các chính sách mới và vận dụng các bài học kinh nghiệm để điều chỉnh theo thực tế trong suốt quá trình này, với mục đích cuối cùng là lan tỏa đến các khu vực khác của đất nước. Như vậy sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn giữa Singapore và Việt Nam trong nhiều năm tới, nhưng cũng sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ chính trị bền vững.