Du lịch
Triển vọng kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
Huy Tự - 21/05/2022 10:40
Trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I, ngày 20/5, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức “Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".
Diễn đàn kết nối du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh

Với chủ đề “Hợp tác và hành động”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa mong muốn qua Diễn đàn, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư cùng lãnh đạo các tỉnh sẽ thảo luận, tìm ra giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Để ngành du lịch bứt phá và trở thành nền kinh tế trọng yếu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất hình thành 3 trục phát triển giữa ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Đồng thời giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần đẩy mạnh kết nối và hợp tác sâu rộng hơn nữa để cùng nhau đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đồng Tháp mong muốn thông qua hoạt động lần này, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là TP.HCM và các địa phương vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả...

Một góc Không gian văn hoá Sen tại trung tâm TP. Cao Lãnh 

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trong tình hình mới hiện nay, cần định hình và có các giải pháp thích ứng với xu hướng du lịch với nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe và trải nghiệm gắn với thiên nhiên; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa là xu hướng chủ đạo.

Bên cạnh tháo gỡ điểm nghẽ cho ĐBSCL về kết nối hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, cần tạo nguồn lực kích cầu đầu tư hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức cá nhân phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm với chất lượng và nguồn cung đảm bảo; chất lượng sản phẩm du lịch phải độc đáo, đa dạng thị hiếu của từng độ tuổi và nhu cầu riêng của khách hàng; đảm bảo tính bền vững và gắn với bảo tồn phát huy bản sắc của địa phương.

Đông tình với quan điểm trên, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận: ĐBSCL có nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, để phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế bản địa tương xứng và liên kết thực chất, có chiều sâu với TP.HCM, giữa 2 vùng đã đề ra chương trình hợp tác liên kết du lịch, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy khu vực nói chung và du lịch nói riêng...

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thẳng thắn chỉ ra một số “điểm nghẽn” khiến ngành du lịch các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa tạo được đột phá lớn. Cụ thể là hạ tầng giao thông của các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ, thông suốt, thuận tiện cho khách du lịch. Bên cạnh đó, việc khai thác sản phẩm du lịch tương đồng, trùng lắp giữa các tỉnh... Hiện du lịch nông nghiệp đang có tiềm năng phát triển trong giai đoạn du lịch đang dần phục hồi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự tương đồng về điều kiện khí hậu và đời sống văn hóa của vùng đồng bằng sông nước dẫn đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng. Do đó, các tỉnh, thành cần nghiên cứu, tìm ra sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù tạo sự khác biệt, độc đáo của mỗi địa phương, để tạo hấp dẫn cho du khách và phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh giữa các tỉnh, thành.

Do đó, các chuyên gia đề nghị, để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững, các tỉnh cần phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo và sáng tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mang nét đặt trưng của từng địa phương. Đồng thời, các tỉnh cần xem phát triển du lịch là một chiến lược lâu dài để có những đầu tư đúng mức, xây dựng các chính sách khuyến khích chủ thể đầu tư phát triển du lịch để ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển khu vực nông thôn...

Tỉnh Bến Tre sẽ là đơn vị đăng cai tổ chức Diễn đàn lần thứ III, năm 2024 (tổ chức 2 năm 1 lần).

Tin liên quan
Tin khác