Sức khỏe doanh nghiệp
Triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường ngay sát Tết, KIDO tính bàn gì?
Minh Vui - 17/12/2024 10:53
ĐHĐCĐ bất thường sắp tới sẽ bàn đến những vấn đề về thương hiệu KIDO, nhãn hiệu Celano - Merino và xin ý kiến về giao dịch bán cổ phần của KIDO tại CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF).

CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) cho biết sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 vào ngày 24/1/2025. 

Ngày 24/01/2025 là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Lý do gì khiến doanh nghiệp này triệu tập đại hội cổ đông bất thường 2024 muộn như vậy?

Theo nội dung chương trình sơ bộ, ĐHĐCĐ sẽ bàn về các báo cáo sơ bộ của HĐQT và Ban Tổng giám đốc tổng kết tình hình hoạt động kinh doanh năm 2024 và các tờ trình ĐHĐCĐ về vấn đề thương hiệu KIDO, nhãn hiệu Celano và Merino do KIDO đang sở hữu và quản lý. 

Đồng thời, HĐQT cũng sẽ xin ý kiến bổ sung về giao dịch bán cổ phần do KIDO sở hữu tại CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF). 

Đáng chú ý, trong các nội dung trên, KIDO cho biết vẫn đang sở hữu và quản lý nhãn hiệu Celano và Merino. Đây là hai thương hiệu kem nổi tiếng của KIDO, gắn liền với KDF. 

Trước đó, vào tháng 4/2023, KIDO đã chuyển nhượng hơn 17,8 triệu cổ phần KDF tương đương 24% vốn cho đối tác với giá hơn 1.000 tỷ đồng, từ đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 73% xuống còn 49%. Báo cáo tài chính quý III/2024 vẫn ghi nhận KIDO đang sở hữu 49% tại công ty liên kết là CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF). 

Trong khi đó, hồi tháng 9/2024, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood cho biết đã chính thức nắm quyền kiểm soát KDF sau khi hoàn tất các thủ tục để sở hữu 51% cổ phần KDF. 

Như vậy, dù đã bán đi quyền kiểm soát tại KDF nhưng đến nay, KIDO vẫn đang nắm giữ 2 nhãn hiệu chủ chốt của KDF là Merino và Celano. 

Thương vụ này khiến nhà đầu tư nhớ đến thương vụ lịch sử M&A trước đây của KIDO. Năm 2014, KIDO từng gây chú ý khi bán mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelez International. Bên cạnh giá trị được công bố gần 10.000 tỷ đồng, Mondelez thực tế đã phải chi thêm tiền để thực sự sở hữu được thương hiệu bánh kẹo, các tài sản sở hữu trí tuệ và các điều khoản khác. 

Ngành kem từng là hoạt động mang lại doanh thu đáng kể cho KIDO đặc biệt nhờ biên lãi gộp cao hơn hẳn ngành dầu ăn. Sau khi bán đi mảng hoạt động này, hiện ngành dầu ăn đang chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu của KIDO.

Dù vậy, doanh thu ngành này trong quý III/2024 đang sụt giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2023 trong khi doanh thu các ngành khác tăng trưởng 29,3%. 

Trong 9 tháng 2024, doanh thu thuần của KIDO đạt 5.775 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh do không còn lợi nhuận từ chuyển nhượng M&A như năm trước. Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần của công ty sụt giảm rất mạnh

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của KIDO chỉ đạt hơn 54 tỷ đồng và chỉ bằng 8% lợi nhuận của 9 tháng năm 2023. 

Trước đó, hồi đầu năm, trong ĐHĐCĐ thường niên 2024, KIDO vẫn đặt mục tiêu rất cao cho năm nay với 13.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả trong 9 tháng, KIDO còn cách rất xa so với kế hoạch đề ra. 

Nhà đầu tư vẫn đang trông chờ, với việc đưa nội dung xin ý kiến bổ sung về giao dịch bán cổ phần do KIDO sở hữu tại CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) trong ĐHĐCĐ bất thường sắp tới, liệu KIDO có tiếp tục thực hiện M&A để “lật ngược” thế trận này?

Tin liên quan
Tin khác