Doanh nghiệp
Trồng lúa phát thải thấp, một doanh nghiệp Việt tạo ra 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm
Nhung Bùi - Chí Cường - 16/11/2023 16:37
Đại diện Lộc Trời đánh giá trồng lúa carbon thấp không phải cơ hội, mà chính là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Năm 2030, Việt Nam dự báo tạo ra 120 triệu tấn khí thải carbon, trong đó trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải.

“Vai trò của Lộc Trời cũng như người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long là hành động, vì biết rằng, chúng tôi sẽ đóng góp rất nhiều vào phát thải nhà kính của Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 do Báo Đầu tư/Vietnam Investment Review tổ chức, với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”.

Ông Thuận cho biết, Lộc Trời đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu ha, và hợp tác với 1 triệu hộ nông dân. Doanh nghiệp có 5 đơn vị kinh doanh bao gồm viện nghiên cứu nông nghiệp; các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giống để cung cấp đầu vào cho nông dân; các đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chăm sóc mùa màng; một đơn vị làm giống và cung cấp khoảng 50% giống cho Đồng bằng sông Cửu Long; công ty lương thực sản xuất khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm.

Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Chí Cường.

Từ năm 2016, Lộc Trời bắt đầu nghiên cứu chương trình trồng lúa carbon thấp và đến 2019 đưa vào áp dụng, thì trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022, doanh nghiệp đứng đầu thế giới về sản xuất xanh, phát thải carbon thấp.

Để có thể làm được điều này, doanh nghiệp dựa vào 3 hoạt động chính: Cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh.

Về sinh học, Lộc Trời đưa ra cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cân bằng được 3 yếu tố hóa học, sinh học và hữu cơ trong bộ sản phẩm chăm sóc mùa vụ.

Về áp dụng kinh tế tuần hoàn, công ty có thể tạo ra nguyên liệu tro trấu, là đầu vào cho hoạt động sản xuất các sản phẩm hạt nhựa sinh học, hoặc tro trấu trộn xi măng để làm thành nguyên liệu nhẹ cho các nhà cao tầng.

Về phát triển xanh, công ty tập trung nhiều hoạt động giảm khí thải nhà kính, trong đó có giảm nitơ và metan, các loại khí thường phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp lớn vào việc tạo ra khí thải nhà kính.

Khi hợp tác với Lộc Trời, người nông dân giảm nguy cơ phơi nhiễm hóa chất do công ty triển khai mô hình đông ruộng không dấu chân, dùng drone để xịt hóa chất thay vì nông dân tự phun tay như trước đây. Việc sử dụng drone cũng hạn chế lượng nước trong 1 lần phun, từ 300 lít/ha giảm xuống chỉ còn 17 lít.

Đại diện Lộc Trời nhấn mạnh, muốn chương trình trồng lúa phát thải thấp thu được hiệu quả, mấu chốt là phải tạo được động lực để người nông dân thay đổi thói quen canh tác. Bênh cạnh việc cung cấp vật tư đầu vào miễn phí, doanh nghiệp còn có các chương trình khích lệ người nông dân giảm lượng rác thải ra môi trường như tặng vàng cho những nông hộ thu rác bao bì nhiều nhất, tổ chức hoạt động trúng thưởng, thi đua giữa nông dân với nhau,…

Không chỉ giảm thiệt hại môi trường, CEO Lộc Trời tiết lộ doanh nghiệp hiện đủ sức cung ứng 10 triệu tín chỉ carbon ra thị trường mỗi năm. Với mức giá ước tính 5 USD/tín chỉ, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể mang về 50 triệu USD từ doanh thu bán tín chỉ carbon.

“Động lực lớn nhất đến từ tầm nhìn của Lộc Trời là trở thành một công ty nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo xây dựng môi trường nông thôn đáng sống cho người nông dân”, ông Nguyễn Duy Thuận khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác